Sáng 25/6, hơn 912.600 thí sinh chính thức thi môn Ngữ văn của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 với thời gian làm bài là 120 phút.

Ngay sau khi kết thúc thời gian làm bài, cô Ngô Thị Lan Anh (giáo viên dạy Ngữ văn, trường THPT Trần Phú, Hà Nội) đánh giá, phần Đọc-Hiểu tương đối dễ nên thí sinh dự thi muốn đỗ tốt nghiệp THPT đều có thể làm được. Tuy nhiên, để đạt được điểm tối đa thì không phải dễ vì câu hỏi tu từ có thể khiến thí sinh không nhớ cách làm.

anh_4927_vov_tjbg.jpg
Giám thị gọi thí sinh vào phòng thi sáng 25/6

Câu hỏi thí sinh về quan điểm của tác giả trong hai dòng thơ: Ta ca hát quá nhiều về tiềm lực/ tiềm lực còn ngủ yên có còn phù hợp với thực tiễn ngày nay không và vì sao có thể sẽ có thí sinh trả lời được hoặc không vì tác giả viết bài thơ đã lâu và nhiều thí sinh có thể chưa hiểu hết bài thơ.

Đề thi đã đảm bảo không chỉ có kiến thức lớp 12 mà còn kiểm tra kiến thức của học sinh ở lớp 11 thông qua tác phẩm “Hai đứa trẻ” của nhà văn Thạch Lam. Các câu hỏi trong đề thi khá hay và cũng có tính phân loại trình độ của thí sinh tương đối cao để các trường ĐH chọn lựa thí sinh vào trường. Nếu đề thi như này làm trong 120 phút thì hơi quá sức với các em nên có thể có thí sinh viết vội vàng ở câu cuối cùng.

Cô Ngô Thị Lan Anh dự đoán, với đề thi năm nay, phổ điểm của thí sinh sẽ vào khoảng từ 5 đến 7 điểm. Thí sinh nào đạt từ 8 điểm trở lên không chỉ nắm chắc kiến thức của hai khối lớp 11 và 12, mà còn phải biết cách so sánh, tìm ra điểm tương đồng giữa hai nhà văn trong phần phân tích sự đối lập giữa vẻ đẹp của hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực gia đình hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu). Từ đó thí sinh có thể liên hệ với sự đối lập giữa cảnh phố huyện lúc đêm khuya và hình ảnh đoàn tàu (Hai đứa trẻ - Thạch Lam) để nhận xét về cách nhìn hiện thực của hai tác giả.

Đề thi môn Ngữ văn kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018
Phần viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân trong cuộc sống hiện nay đòi hỏi thí sinh phải tư duy và liên hệ giữa kiến thức đã học thực tiễn cuộc sống. Phần suy nghĩ về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân là câu hỏi mang tầm vĩ mô hơn là trách nhiệm đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân.

Phổ điểm bài thi môn Ngữ văn sẽ vào khoảng từ 6-7 điểm

Cô Phạm Thị Thu Phương, giáo viên trường trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành - Hà Nội cho biết, phần Đọc hiểu trong đề thi môn Ngữ văn sẽ chiếm 30% tổng số điểm. Phần Làm văn chiếm 70% tổng số điểm bài thi.

Cũng tương tự như đề thi các năm trước đó, phần Đọc hiểu có ngữ liệu đọc hiểu là một văn bản thơ. Theo đó là 4 câu hỏi ở các mức độ từ nhận biết, thông hiểu đến vận dụng. Ngữ liệu với các câu hỏi vừa sức với học sinh, đề cập đến vấn đề có ý nghĩa.

Thí sinh ra về sau khi làm xong bài thi môn Ngữ văn

Phần Làm văn bao gồm có 2 câu hỏi. Một là câu hỏi yêu cầu tạo lập văn bản nghị luận xã hội với dung lượng 200 chữ (không quá một mặt giấy thi). Câu hỏi này chiếm 20% tổng số điểm của phần Làm văn. Vấn đề nghị luận sẽ được rút ra ngay từ ngữ liệu của phần đọc hiểu.

Vấn đề đánh thức tiềm lực đất nước khá gần gũi và thiết thực với học sinh, khơi gợi được trách nhiệm xã hội của người viết. Với đề nghị luận xã hội, học sinh cần có những hiểu biết sâu rộng về vấn đề nghị luận, cần biết kết hợp các thao tác lập luận để tạo lập văn bản. Cần chú ý đảm bảo chuẩn dung lượng bài viết mà đề bài yêu cầu.

Câu hỏi còn lại của phần Làm văn là câu hỏi yêu cầu tạo lập văn bản nghị luận văn học, chiếm 50% trên tổng số điểm bài thi. Kiến thức lớp 11 chiếm khoảng 30% trong câu nghị luận văn học. Phần liên hệ với tác phẩm lớp 11 khá cơ bản, không “đánh đố” học sinh nhưng không dễ, tạo nên sự phân hóa khá rõ đối với người làm bài.

Cô Phạm Thị Thu Phương nhận định, với đề thi môn Ngữ văn như này, phổ điểm sẽ ở mức 6, 7 điểm. Số học sinh đạt điểm 8 trở lên sẽ không nhiều như năm trước.

Đề bài đòi hỏi học sinh không chỉ nắm chắc kiến thức mà còn phải thực sự hiểu được nội dung ý nghĩa của mỗi tác phẩm, đặc điểm phong cách nghệ thuật của mỗi tác giả và cả yếu tố thời đại chi phối đến tác phẩm (tác phẩm Hai đứa trẻ ra đời vào thời điểm trước cách mạng 1945, tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa ra đời vào đêm trước của thời kì đổi mới 1986).

Nhìn chung với đề bài này, học sinh muốn làm tốt không chỉ cần nắm vững những kiến thức cơ bản, thành thạo kĩ năng tạo lập văn bản nghị luận văn học mà còn cần phải tư duy tổng hợp để bài viết chính xác và phong phú.

Một phần quan trọng nữa không kém là chúng ta cần phân bố thời gian hợp lí để làm bài. Thời gian luôn tỉ lệ thuận với dung lượng viết và điểm số từng câu. Phần đọc hiểu, chúng ta cần dành khoảng 15 đến 20 phút để làm; câu 1 phần Làm văn cần dùng 20 đến 25 phút và còn lại câu nghị luận văn học nên dành cho 80 phút. Phân bố thời gian hợp lí cũng là một trong những bí quyết để có một bài làm tốt!

Theo cô Phạm Thị Thu Phương, đề thi THPT Quốc gia môn Ngữ Văn là một đề hay, bao quát, bám sát chương trình sách giáo khoa, có đầy đủ các mức độ nhận thức, có tính phân loại học sinh cao. Vì vậy, học sinh cần cố gắng hơn rất nhiều mới có thể đạt được điểm khá, giỏi./.