Sáng nay (25/6), gần 1 triệu thí sinh chính thức bước vào kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 với môn thi đầu tiên là môn Ngữ văn. Lo ngại tình trạng kẹt xe có thể ảnh hưởng đến việc thi cử của con em, nhiều phụ huynh đã đưa thí sinh đến điểm thi từ rất sớm.

vov_img_7057_wqtq.jpg
Phụ huynh và thí sinh có mặt tại điểm thi từ rất sớm.
Theo ghi nhận của phóng viên, ngay từ 6h30 phụ huynh đã đưa con đến các điểm thi, hầu hết các phụ huynh đưa con đến trường thi trong tâm trạng lo lắng và hồi hộp. Con vào thi, họ lại kiên trì ngồi chờ ngoài cổng trường. Đưa con đi thi với nhiều nỗi khó khăn nhưng các bậc làm cha làm mẹ không quản ngại, chỉ với mong muốn con cái đỗ đạt nên người.

Sáng nay tại Hà Nội, thời tiết khá mát mẻ, dễ chịu, chị Hồng (Yên Hoà, Cầu Giấy) trò chuyện với các phụ huynh khác để thời gian chờ con thi trôi qua nhanh, chị kể mình đã nghỉ làm 3 ngày để đưa con đi thi: “Tôi lo đến mất ngủ, tối qua còn chập chờn, đặt mấy chuông điện thoại, nhà gần nhưng 5h sáng đã dậy rồi. Lo lắm nhưng không dám để con biết, sợ con bị ảnh hưởng tâm lý”.

Phụ huynh kiên trì ngồi chờ ngoài cổng trường.
Kỳ thi này là bước ngoặt của rất nhiều thí sinh, tâm lý của hầu hết các bậc phụ huynh là lo lắng, thấp thỏm. Chị Nguyễn Thị Huệ (Đan Phượng, Hà Nội) có con trai xét tuyển vào trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết vì nhà cách địa điểm thi 15 km nên chị phải đưa con đi khá sớm sợ tắc đường: “Chị đặt chuông 4h nhưng 3h30 sáng đã dậy rồi, bắt đầu nấu đồ ăn, chuẩn bị đồ cho con đi thi. Con đi thi, mẹ cũng hồi hộp, lo lắng hơn cả con”.

Tuy nhiên có một điều đáng suy ngẫm là hiện nay, dường như phụ huynh sợ con thất nghiệp hơn là trượt đại học. “Thi không đỗ thì buồn, nhưng đỗ rồi không biết mấy năm sau ra trường có xin được việc không…” – tâm sự của phụ huynh đưa con đi thi THPT Quốc gia 2018.

Nhiều phụ huynh quyết định chờ con ngay tại cổng trường.
Một phụ huynh đưa con đi thi tại điểm thi trường THCS Lê Quý Đôn chia sẻ: “Giờ thi đại học không đỗ trường này thì học trường khác, nhưng không biết 4 năm sau có xin được việc không, Tôi đọc báo và xem trên ti vi thấy sinh viên ra trường thất nghiệp nhiều, chúng tôi cũng lo lắm chứ ”.

Cùng chung nỗi niềm lo lắng ấy, một phụ huynh khác cho biết gia đình muốn con học nghể để sau này dễ tìm việc, nhưng con muốn thi nên gia đình vẫn cố gắng, đưa con đi thi, động viên con: "Gia đình cũng hiểu phải là “con ông cháu cha” hoặc phải học cực kỳ xuất sắc thì ra trường mới có việc làm, nhưng nguyện vọng của con là thi đại học nên chúng tôi đồng ý, cũng không thể bảo con đừng đi học được”.

Phụ huynh hướng về phía cổng trường tìm kiếm đứa con của mình.

Có con học lực ở mức khá, một phụ huynh ở Hoàng Mai chia sẻ: “Giờ thấy học đại học xong thất nghiệp nhiều, tôi có đứa cháu học ở Nga về, đi làm hợp đồng ở cơ quan nhà nước lương ba cọc ba đồng, được 6 tháng thì xin nghỉ ra làm ngoài, cũng vất vả lắm. Nếu con đỗ vào trường nào sau này ra được sắp xếp công việc thì chúng tôi cũng yên tâm hơn".

Kỳ thi này là bước ngoặt của rất nhiều thí sinh, tâm lý của hầu hết các bậc phụ huynh là lo lắng, thấp thỏm.
Sau mỗi buổi thi, các sĩ tử ùa ra từ các địa điểm thi. Tất cả các ông bố bà mẹ đã đứng lên chờ đợi từ trước đó 30 phút, ai cũng hướng về phía cổng trường tìm kiếm đứa con của mình. Với gần 1 triệu thí sinh tham dự kỳ thi đại học năm nay, đồng nghĩa với việc có gần một triệu phụ huynh đi theo, và cũng sẽ có từng ấy nỗi lo âu, khắc khoải, mong ngóng, đợi chờ khác nhau, nhưng tất cả đều giống nhau ở nỗi niềm thấp thỏm đợi mong, hy vọng và chờ đợi một tương lai tươi sáng cho con mình./.