Năm học này, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục triển khai mô hình trường học mới tại nhiều trường trung học cơ sở. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, mô hình này hướng học sinh phát triển toàn diện, tự rèn luyện khả năng vận dụng kiến thức vào thực tế.

Tuy nhiên, tại hội thảo về mô hình trường học mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa tổ chức tại thành phố Đà Nẵng, nhiều giáo viên và nhà quản lý băn khoăn, lo ngại về hiệu quả của mô hình mới này.

Băn khoăn về khung chương trình, SGK

Ưu điểm của mô hình trường học mới là chuyển từ cách dạy  đọc chép sang phát huy tính chủ động, tự học, tự quản của học sinh theo nhóm. Giáo viên thay vì giảng dạy, truyền thụ kiến thức thì chỉ hướng dẫn học sinh tự học theo nhóm, khuyến khích sự sáng tạo của học sinh...

truong_hoc_moi_lpdw.jpg
Nhiều nhà giáo lo ngại về hiệu quả của mô hình trường học mới (Ảnh: GD&ĐT)

Thầy Nguyễn Văn Hải, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Trần Quốc Toản, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị cho rằng: Mô hình trường học mới, về cơ bản nội dung giảng dạy không thay đổi, chỉ sắp xếp lại cho phù hợp với cách dạy mới. Điểm mới là có 2 môn học tích hợp là: Khoa học tự nhiên gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học và môn Khoa học xã hội gồm lịch sử, địa lý.

Đầu năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định dạy 14 tiết chung đối với môn tự nhiên, trong đó học kỳ 1 phân bổ môn Sinh vật 32 tiết, sau đó giảm xuống còn 28 tiết, môn Hóa học 8 tiết ở học kỳ 2 nhưng rồi lại đẩy lên học kỳ 1. Thầy Nguyễn Văn Hải băn khoản, liệu tới đây, Bộ có thay đổi khung chương trình nữa không và sách giảng dạy cũng phát hành chậm trễ.

Giáo viên lo lắng

Mô hình học theo nhóm khuyến khích tính sáng tạo, học sinh sẽ mạnh dạn phát biểu chính kiến, tự tin trong giao tiếp. Tuy nhiên, khi chia nhóm, các em ngồi quay mặt vào nhau rồi nói chuyện riêng nhiều hơn là thảo luận bài, giáo viên khó quản lý. Có tình trạng trong nhóm chỉ học sinh giỏi tích cực thảo luận, phát biểu; các học sinh khác trông chờ vào trưởng nhóm, hiệu quả học tập không cao.

Cô giáo Nông Thị Mai, Trường Trung học cơ sở Đề Thám, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng cho rằng, mô hình trường học mới, trách nhiệm dồn lên vai giáo viên nặng nề, đòi hỏi giáo viên phải sáng tạo, đổi mới cách dạy.

Thế nhưng, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có hướng dẫn thống nhất chung. Cụ thể như bộ môn Văn không có phần bài tập làm văn, trong khi học sinh đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia, phần tập làm văn chiếm đến 70% tổng số điểm.

Cô Mai cho biết, có giáo viên lên lớp vừa soạn giáo án theo kiểu cũ, vừa phải chuẩn bị nội dung cho mô hình mới, mất nhiều thời gian: “Về kỹ năng thì đây là mô hình mới, chưa thể nói có kỹ năng ngay được. Dạy mô hình mới này, giáo viên phải thực sự giỏi và năng động, là người biết tổ chức mà không phải cô giáo nào cũng làm tốt vai trò tổ chức của mình. Và cũng  chưa có quy định nào, các cô giáo dạy mô hình mới này được giảm tiết. Cho nên mạnh dạn làm nhưng quả thật vẫn lo lắng. Họ phải đầu tư cả thời gian và tâm huyết, nhưng chế độ ưu đãi chưa có gì”.

Thiếu kinh phí

Một khó khăn nữa là việc Bộ Giáo dục và Đào tạo cấm các cấp quản lý kiểm tra sổ tay lên lớp, đã gây nhiều lúc túng trong công tác quản lý giáo viên. Mô hình trường học mới không đánh giá xếp loại học sinh, nên không có cơ sở để đánh giá xếp loại giáo viên. 

Thiếu kinh phí cũng là khó khăn lớn đối với các trường khi triển khai mô hình này. Trước đây, ở bậc tiểu học, dự án mô hình trường học mới tài trợ từ sách giáo khoa, thiết bị dạy học, cơ sở trường lớp và tập huấn nghiệp vụ giáo viên và nhà quản lý. Còn bây giờ, các trường phải tự lo.

Theo tính toán của các trường, muốn áp dụng mô hình mới thì tài liệu, trang thiết bị dạy và học cũng phải thay đổi, chỉ riêng kinh phí để trang trí không gian của mỗi lớp học đã tốn hơn 10 triệu đồng.

Ông Trần Văn Thành, Trưởng phòng Giáo dục huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên kiến nghị: “Quan trọng nhất là kinh phí, trang thiết bị phải có, phòng học phải xây dựng bài bản. Hiện nay, nhiều trường học còn bàn 4 chỗ ngồi làm sao học nhóm, học tổ được? Nếu áp dụng rộng rãi thì đội ngũ giáo viên phải được tập huấn. Đội ngũ mà không quan tâm, không được bồi dưỡng thì đừng nói đổi mới giáo dục. Đổi mới giáo dục then chốt đó là đội ngũ giáo viên, muốn áp dụng đại trà phải bồi dưỡng giáo viên”.

Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Trung học phổ thông Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, trong nhiều công việc đổi mới giáo dục phổ thông có việc thử nghiệm xây dựng trường học mới ở cấp tiểu học và trung học cơ sở. Đến nay, cả nước có hơn 1.600 trường trung học cơ sở triển khai mô hình này.

Tới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh, hoàn thiện điều lệ, mục tiêu, nội dung, phương pháp yêu cầu dạy học... Theo ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Trung học phổ thông Bộ Giáo dục và Đào tạo, cách làm mới đòi hỏi phải có tâm huyết mới.

“Đối với tiểu học đã làm nhiều năm rồi, nhưng với trung  học cơ sở mới làm 2 năm và đã có thành công bước đầu. Trong dịp hè vừa rồi, Bộ cũng tổ chức tập huấn cho Sở, Phòng Giáo dục Đào tạo, trường học, đặc biệt là đội ngũ giáo viên. Bước đầu, mặc dầu có những bỡ ngỡ, khó khăn nhưng kết quả thu được thắng lợi.

Trong quá trình tiến hành đổi mới căn bản, toàn diện, thử nghiệm xây dựng  trường học mới, Bộ, các dự án, chuyên gia, sở, nhà trường vào cuộc đồng bộ; cùng nhau xây dựng nội dung, tháo gỡ để chuyển dần hoạt động cho đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo”.

Sau 4 năm triển khai mô hình trường học mới ở cấp tiểu học cho thấy ngành Giáo dục đã hướng tới mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện. Tuy nhiên, để mô hình này thực sự  hiệu quả, trước hết phải tháo gỡ những vướng mắc hiện nay./.