Vụ việc học sinh Trần Chí Kiên, lớp 2A4, trường Tiểu học Nam Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Nội, bị gãy chân khi đang học tại trường gây xôn xao dư luận.
Theo báo cáo từ phía nhà trường, học sinh này bị gãy chân do tự ngã khi va vào ô tô đang đỗ trong sân trường. Nhưng bác sỹ điều trị cho Kiên lại nhận định, phải có lực tác động rất mạnh, mới có thể bị tổn thương nghiêm trọng đến vậy. Sau khi cháu Kiên ổn định tinh thần, gia đình đã hỏi và biết được thông tin trái ngược hoàn toàn. Rằng “trong giờ ra chơi, cháu và các bạn cùng lớp có ra sân sau của trường chơi, đến khi hết giờ ra chơi, cháu và các bạn (4 bạn ) chạy về lớp. Trong lúc cháu chạy về lớp thì có va chạm vào một chiếc xe “Huyndai màu xanh nước biển đang di chuyển” trong sân trường và cháu nhận ra trên xe có cô Hiệu trưởng và một cô giáo khác”, anh Trần Chí Dũng bố cháu Kiên cho biết.
Bức tâm thư của giáo viên trong trường. |
Qua lời kể của con và những người bạn học cùng lớp với Kiên, gia đình anh Trần Chí Dũng nghi ngờ rằng con anh bị gãy chân không phải do tự ngã. Ngay sau khi phía gia đình có đơn từ yêu cầu làm rõ vụ việc, cô hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc cũng đã không ít lần “trần tình” với báo chí và với các cơ quan chức năng, chứng minh sự vô can trong sự việc lần này.
Những phát ngôn trước sau có phần bất nhất của vị hiệu trưởng này khiến không chỉ phụ huynh cháu Kiên, giáo viên trong trường mà ngay cả dư luận – những người không trực tiếp liên quan cũng phải bức xúc.
Việc cô hiệu trưởng làm phiếu khảo sát với mục đích chứng minh sự “trong sạch” của bản thân chưa hết bức xúc thì mới đây lại xuất hiện "tâm thư" của giáo viên trong trường gửi lên cơ quan cấp trên xin cho cô hiệu trưởng được ở lại trường. Theo thông tin từ một số giáo viên trong trường, có khoảng 10 người vừa tự nguyện, vừa bị cưỡng ép viết tâm thư.
Trong một bức tâm thư viết như sau: “Từ khi tôi chuyển công tác về trường tiểu học Nam Trung Yên. Trong quá trình công tác và làm việc ở trường tiểu học Nam Trung Yên quận Cầu Giấy, Hà Nội, dưới sự lãnh đạo của đồng chí bí thư, hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc. Tôi thấy đồng chí là một người sống đúng mực, giản dị, hết lòng với học sinh, với đồng nghiệp, luôn đối xử công bằng, luôn tạo điều kiện tốt nhất cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên được làm việc trong điều kiện tốt nhất. Khi nói về đạo đức nhà giáo thì chúng tôi cần phải học tập rất nhiều ở đồng chí Ngọc. Tôi luôn lấy tấm gương về cách hành xử trong công việc, cách đối xử với mọi người nhất là tình thương yêu học sinh để học tập để phấn đấu…Đồng chí luôn hy sinh quyền lợi cá nhân cho tập thể, cho mọi người”.
Tiếp bức tâm thư này có trình bày về vụ việc của học sinh Trần Chí Kiên và cho rằng “Chính vì thông tin chưa sát thực đó đã làm ảnh hưởng tới uy tín và cái tâm trong nghề giáo của đồng chí hiệu trưởng của chúng tôi. Làm cho tâm lý của tôi thấy hoang mang xáo trộn”.
Chủ nhân bức tâm thư cũng tha thiết mong muốn cô Ngọc được giữ lại trường công tác khi chưa có kết luận của cơ quan điều tra.
Tuy nhiên, một giáo viên trong trường (xin giấu tên) cho hay khi cô đang dạy học trên lớp thì được gọi lên để “tìm cách cứu hiệu trưởng”. Theo đó, cô được yêu cầu “viết đơn xin ra khỏi đảng và tâm thư để gây áp lực với cấp trên”. Nhận thấy rõ những mâu thuẫn trong lời của cô Ngọc đã nói trước đó, nên cô giáo này đã giả vờ đau bụng để trốn không phải viết bức tâm thư.
Một giáo viên khác cùng trường cũng đã xác nhận rằng việc cô giáo trên bị ép viết tâm thư bất thành là có thật.
Vụ học sinh gãy chân ở trường Nam Trung Yên: Khi sự dối trá lên ngôi
Hiện nguyên nhân khiến học sinh Trần Chí Kiên, lớp 2A4 bị gãy chân vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ./.