Phổ biến giáo dục pháp luật trong nhà trường là một hình thức tác động lớn tới thay đổi nhận thức, hành vi của học sinh, sinh viên đối với việc sống và học tập một cách khoa học, lành mạnh, có ích cho xã hội. Vì vậy cần phải quan tâm tới cách thức giảng dạy, đổi mới giáo dục pháp luật trong các trường học từ cấp Mầm non tới Đại học. Đây là nội dung chính trong việc giáo dục pháp luật trước yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục.

giao_duc_phap_luat_ve_giao__wugq.jpgPhổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông trong trường học (ảnh: baobacninh)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nhận định, trong những năm qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường đã đạt được nhiều thành công đáng kích lệ. Nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò của giáo dục pháp luật ngày càng sâu sắc, đầy đủ và toàn diện hơn. Việc dạy và học pháp luật ở các cấp học đã đi vào nền nếp, bảo đảm chất lượng, thiết thực với cả thầy và trò cũng như những người làm công tác quản lý giáo dục.

Tuy nhiên, nội dung giảng dạy giáo dục pháp luật vẫn còn nặng về lý thuyết, thiếu kỹ năng thực hành, chưa được tích hợp, lồng ghép đầy đủ, thiếu tính liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo. Phương pháp giảng dạy của giáo viên còn chậm đổi mới, chưa tạo được hứng thú đối với người học. Giáo trình tài liệu tham khảo chưa phong phú, chậm rà soát, sửa đổi, bổ sung. Mối quan hệ giữa giảng dạy pháp luật chính khóa với các hoạt động ngoại khóa chưa được chú trọng đúng mức. Những bất cập trên đòi hỏi giáo dục pháp luật ở trong nhà trường phải có sự thay đổi, đặc biệt là trước yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục.

Chọn đúng cách thức giảng dạy khoa học và đúng hướng

Theo ông Đặng Quang Ngàn, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình, hệ thống giáo dục pháp luật hiện khá đồ sộ, các văn bản, tài liệu về pháp luật cũng rất nhiều nên nếu muốn giáo dục pháp luật trong trường học một cách hiệu quả thì nên giáo dục về hành vi của học sinh, sinh viên qua những việc làm, hành động cụ thể trong đời sống hàng ngày. Theo đó, thầy cô giáo và phụ huynh học sinh cần phối hợp giảng dạy, tư vấn cho học sinh, sinh viên đâu là những việc làm tốt, đâu là những hành vi xấu ảnh hưởng tới bản thân và xã hội.

 Ông Đặng Quang Ngàn

Cha mẹ nào cũng thương con cái. Thế nhưng, nếu vì quá thương con mà sẵn sàng chiều theo những đòi hỏi, hành vi xấu của con thì chẳng khác nào như người điều khiển xe máy đi trên một con đường sai hướng mà gia tốc càng lớn thì sẽ càng nhanh chệch mục tiêu.

Lấy ví dụ như trường hợp trên, ông Đặng Quang Ngàn cho rằng, trong giáo dục pháp luật đối với học sinh, sinh viên, thầy cô giáo và phụ huynh cần chọn cho đúng mục tiêu và cách thức giảng dạy con em một cách khoa học và đúng hướng.

Ví dụ theo quy định của pháp luật, học sinh đủ 16 tuổi và dưới 18 tuổi chỉ được điều khiển xe gắn máy dung tích xi-lanh dưới 50cm3. Do đó, nếu những học sinh ở độ tuổi như vậy điều khiển xe gắn máy có dung tích xi-lanh từ 50cm3 trở lên thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Vì vậy, các bậc phụ huynh cần hiểu rõ quy định này, chứ không thể chiều theo sở thích của con muốn được đi xe máy phân khối lớn. Khi học sinh chưa có đủ các kiến thức pháp luật về an toàn giao thông, kỹ năng lái xe chưa đảm bảo mà phụ huynh chiều theo sở thích của các em nghĩa là phụ huynh đã tự “hại” con mình.

Còn về phía các trường học cần phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh biết được quy định cụ thể để các em có thêm hiểu biết về an toàn giao thông, phòng chống sai phạm khi chưa hiểu biết các điều luật khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường.

Theo ông Đặng Xuân Ngàn, phổ biến giáo dục pháp luật nên được đưa vào trường học từ cấp Mầm non với sự lồng ghép giữa giảng dạy lý thuyết và phổ biến trải nghiệm trong cuộc sống.

Ở cấp Tiểu học đến phổ thông, hiện nay giáo dục pháp luật được lồng ghép trong những tiết học giáo dục công dân. Việc giảng dạy theo hình thức này nhằm phổ biến kiến thức liên môn sang phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh một cách toàn diện hơn. Vì vậy, nên được phát huy trong giảng dạy ở các trường phổ thông.

Ông Trần Văn Hà

Để phổ biến giáo dục pháp luật trong trường học đạt hiệu quả, ông Cao Xuân Hùng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Nam Định nêu ý kiến, các cơ sở giáo dục cần đưa nội dung giảng dạy về pháp luật phù hợp với từng cấp học. Cấp học Mầm non nên có cách thức và nội dung giảng dạy khác với cấp Trung học hay Đại học. Ở từng độ tuổi, nhận thức của học sinh sẽ khác nhau nên việc giáo dục pháp luật nên từ những thứ đơn giản đến phức tạp hơn.

Theo ông Cao Xuân Hùng, trong giáo dục pháp luật, giáo viên nên hướng dẫn cho học sinh, sinh viên cách thức học tập, nghiên cứu và trải nghiệm một cách tự giác. Thực tế cho thấy, những học sinh, sinh viên nào tự giác, có hứng thú trong học tập về pháp luật thì các em sẽ có ý thức tốt và cẩn trọng trước những hành vi của mình.

Học sinh, sinh viên cần được trải nghiệm mô hình Nhà nước ở địa phương 

Giáo dục pháp luật trong trường học nên được thực hiện từ việc các trường học tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên tham quan mô hình Nhà nước ở chính địa phương mình. Theo đó, các em phải biết được Tòa án, Viện Kiểm sát Nhân dân là gì, ở đâu; Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân có chức năng, nhiệm vụ gì. Đó  là ý kiến của ông Trần Văn Hà, Phó Hiệu trưởng trường Cán bộ Tòa án.

Ở nhiều nước trên thế giới, người dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên được đến xem Quốc hội họp nhằm tìm hiểu mô hình hạt động, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan này để tìm hiểu hoạt động của bộ máy Nhà nước cũng như nâng cao kiến thức về hệ thống pháp luật ở đất nước. Hình thức này có thể chưa được trải nghiệm ngay ở Việt Nam nhưng ở các địa phương cũng nên cho học sinh, sinh viên được đến tìm hiểu bộ máy hoạt động của chính quyền cấp xã, huyện như thế nào. Qua những đợt tham quan, trải nghiệm, học sinh, sinh viên mới có thêm kiến thức về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, chính quyền địa phương để từ đó có những việc làm, hành vi chấp hành đúng pháp luật một cách nghiêm túc.

Không chỉ giảng dạy về lý thuyết, các trường học nên phổ biến kiến thức cho học sinh về vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội, pháp luật bảo vệ quyền công dân như thế nào./.