Vụ việc chấm sai điểm thi THPT Quốc gia năm 2018 ở Hà Giang và nghi vấn ở một số địa phương khác như: Sơn La, Lạng Sơn, Hòa Bình... đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội.

GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, đây là một hồi chuông về việc cần xem lại sai phạm, tiêu cực có hệ thống. Trong đó có mặt của cả người mua và người bán.

thi_sinh_vov_fudc.jpg
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018

Ví dụ như vụ việc ở Hà Giang, người mua điểm muốn nâng điểm ở đây là các phụ huynh, thậm chí là cán bộ, công chức và người thực hiện hành vi bán điểm là ông Vũ Trọng Lương, Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT Hà Giang.

Việc công khai, xử lý người mua điểm cũng như người bán điểm, cần minh bạch, rõ ràng và không có "vùng cấm". 

Theo GS.TS Phạm Tất Dong, vụ nâng điểm hàng trăm bài thi ở Hà Giang không thể chỉ một mình ông Vũ Trọng Lương thực hiện được mà phải có thêm các đối tượng khác, thậm chí là cả một đường dây sửa điểm, nâng điểm thi. Đặc biệt hơn là cũng có thể có sự bao che cho đối tượng thực hiện hành vi phạm tội của mình nên cần được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

Từ vụ việc ở Hà Giang, các chuyên gia giáo dục, phụ huynh và người dân cho rằng, sai phạm không chỉ xảy ra ở riêng Hà Giang mà còn ở nhiều địa phương khác nên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã yêu cầu tất cả 63 tỉnh, thành trên toàn quốc rà soát điểm thi THPT quốc gia và xử lý nghiêm sai phạm nếu có.

Nhận định về việc làm trên, GS.TS Phạm Tất Dong cho rằng, việc Bộ GD-ĐT cho phép thanh tra kết quả thi THPT Quốc gia năm 2018 trên toàn quốc đã cho thấy, niềm tin của nhân dân, xã hội vào kỳ thi “2 trong 1” đang dần bị mất đi và cần có sự thay đổi.

Việc tuyển chọn ngành nghề nên giao cho các trường ĐH

Theo GS.TS Phạm Tất Dong, sở dĩ có tiêu cực trong nâng điểm ở Hà Giang và nghi vấn ở một số địa phương là do một số phụ huynh đang tranh giành cho con em có được một suất vào ĐH ở một vài trường ĐH có tiếng.

GS.TS Phạm Tất Dong

Bộ GD-ĐT và các địa phương cần xem lại việc có tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia (2 trong 1) nữa hay không. Ngành giáo dục cần có cuộc tổng kết, rà soát xem kỳ thi này đã có những mặt tích cực và hạn chế gì.

“Có thể, Bộ GD-ĐT nên giao việc tổ chức và công nhận tốt nghiệp THPT về cho các địa phương. Chúng ta thấy, tỷ lệ tốt nghiệp THPT hầu như các địa phương đều đạt kết quả cao. Hiếm nơi nào có tỷ lệ đỗ chỉ 50-60%.

Như vậy là việc học sinh đỗ tốt nghiệp THPT hầu như là toàn bộ. Kết quả này khó có thể làm căn cứ để tuyển chọn thí sinh chất lượng cao cho các trường ĐH”, GS Phạm Tất Dong nói.

Bên cạnh việc để cho các địa phương đánh giá, công nhận tốt nghiệp THPT, việc chọn lựa thí sinh phù hợp với ngành nghề nào thì nên giao cho các trường ĐH tuyển chọn. Học sinh nào không học được thì phải chấp nhận học nghề hoặc làm việc tùy theo năng lực, sở trường của mình. Người dân cần thay đổi nhận thức là không nhất thiết tất cả mọi học sinh đều phải vào ĐH bằng mọi giá.

Đứng ở góc độ các độ là các trường ĐH, PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa Hà Nội nêu quan điểm, sai phạm trong chấm thi THPT Quốc gia 2018 ở một số địa phương cho thấy cần phải rà soát lại khâu chuyển giao đề, chấm thi nên việc chấm thi trắc nghiệm được chấm bằng máy.

Nếu việc chuyển giao đề, chấm thi được tập trung ở một vài điểm trọng yếu dưới sự quản lý, giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng thì có thể giảm tải được những tiêu cực trong việc sao in đề, chấm thi hơn là để từng địa phương chấm như hiện nay.

Theo PGS.TS Trần Văn Tớp, trước năm 2015, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ đã nhận được sự đồng thuận của xã hội về tính nghiêm túc, khách quan. Tuy nhiên, nếu hiện nay, có tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia nữa hay không cũng như chỉ nên tồn tại kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ thì Bộ GD-ĐT cần có cuộc tổng kết nhìn lại toàn diện, lắng nghe từ xã hội, các địa phương, trường học, thầy cô giáo và các em học sinh.

Những mặt tích cực và hạn chế của kỳ thi "2 trong 1" cũng cần được đưa ra phân tích khách quan để cơ quan chức năng điều chỉnh kịp thời.

PGS.TS Đặng Quốc Bảo

Trong khi đó, có ý kiến cho rằng, nếu chỉ còn kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, chắc chắn là vẫn phải có thêm 1 đợt thi hoặc hình thức thi khác. Điều này sẽ khiến kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ kéo dài, các trường tổ chức rải rác.

Trước băn khoăn trên, PGS.TS Đặng Quốc Bảo, Học viện Quản lý Giáo dục nêu ý kiến, việc các trường ĐH, CĐ tổ chức thêm một đợt thi hoặc bổ sung thêm hình thức thi khác để chọn lựa thí sinh là điều nên làm để chọn lựa thí sinh ưu tú nhất vào trường.

Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cần kiểm soát chỉ tiêu tuyển sinh của từng trường, nhất quyết không để cho các trường tuyển sinh ồ ạt, đào tạo chỉ vì lợi nhuận mà coi nhẹ lợi ích của người học.

Về phía các trường cũng phải có trách nhiệm đối với nguồn tuyển thí sinh vào trường và cần chú trọng đến chất lượng đào tạo sinh viên theo nhu cầu xã hội. Đây không chỉ là trách nhiệm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ đòi hỏi của xã hội và hội nhập quốc tế mà còn là vì sự tồn tại của các trường./.