Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ việc gian lận thi cử ở Hòa Bình trong kỳ thi THPT quốc gia 2018.

Theo kết quả điều tra gian lận thi cử ở Hòa Bình, có 64 thí sinh (63 em của năm 2018 và 1 em của năm 2017) bị sửa điểm thi. 56 thí sinh có bài thi trắc nghiệm sửa điểm. Trong đó, có bài thi Hóa học được nâng khống 9,25 điểm. Cá biệt có thí sinh được nâng khống tổng điểm 3 môn thi là 26,45 điểm.

hoa_binh_fgev.jpg
Cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều bài thi THPT quốc gia được nâng điểm tại Hòa Bình. (Ảnh: KT)

Như vậy, sẽ có hàng chục thí sinh sau khi được nâng điểm đã trúng tuyển vào các trường đại học nhất định. Điều được nhiều người quan tâm là những thí sinh này sau khi phát hiện sẽ bị xử lý ra sao?

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, trường sẽ tiến hành rà soát lại các thí sinh đang học năm nhất đã thi THPT quốc gia năm 2018 có hộ khẩu tại Hòa Bình.

“Chúng tôi sẽ lọc danh sách các thí sinh ở Hòa Bình sau đó đối chiếu với danh sách thí sinh được nâng điểm tại hội đồng thi Hòa Bình. Nhưng hiện tại trường vẫn chưa nhận được danh sách các thí sinh được nâng điểm. Song quan điểm của chúng tôi là nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy chế, buộc thôi học. Chúng tôi hy vọng ĐH Bách khoa Hà Nội không có trường hợp nào sai phạm. Tuy nhiên, việc thông báo nghỉ học với thí sinh bị phát hiện sẽ được nhà trường gửi thông báo đích danh, tế nhị”, ông Trần Văn Tớp cho biết.

Cũng theo Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội, các thí sinh vào trường phải căn cứ vào thực lực. Do đó, những thí sinh có học lực yếu, được nâng hàng chục điểm sẽ rất khó để trụ lại trường hết kỳ học thứ 1.

PGS.TS Phạm Thu Hương, Trưởng phòng đào tạo ĐH Ngoại thương cũng cho biết, trường có danh sách của các thí sinh Hòa Bình trúng tuyển vào ĐH Ngoại thương. Nhưng hiện tại trường chưa nhận được bất cứ danh sách nào về các thí sinh bị điều chỉnh điểm thi. “Nhà trường sẽ gửi lại danh sách các thí sinh Hòa Bình về điểm thi Hòa Bình để xác nhận thông tin. Nếu phát hiện có kết quả không chính xác thì buộc phải làm theo đúng quy chế tuyển sinh năm 2018”.

Trưởng phòng Đào tạo ĐH Ngoại thương cũng nói thêm rằng, do đặc thù đào tạo về kinh tế kinh doanh và ngôn ngữ, nên tất cả các thí sinh trúng tuyển vào trường đều phải tham gia kỳ thi đánh giá năng lực Ngoại ngữ trước khi vào học, ngay cả những thí sinh đã có các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.

Việc này để rà soát và phân nhóm phù hợp cho sinh viên trong quá trình học tập. Qua đó cũng giúp xác định mức độ đầu vào của sinh viên để sau này so sánh với đầu ra.

TS Phạm Thu Hương cũng giả sử, trường hợp những thí sinh vì tiêu cực mà may mắn trúng tuyển vào trường cũng sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề. “Những bạn có đủ năng lực sẽ cảm thấy chương trình học không quá khó, nhưng nếu bạn không có đủ năng lực thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình học tập. Thực tế, khi các em học cùng môi trường với rất nhiều bạn giỏi sẽ bị áp lực vô cùng”.

Bà Hương cũng cho rằng, việc các bậc phụ huynh tìm cách để con em có được “một suất” trong các trường “xịn” không phù hợp với năng lực, trước hết sẽ tạo ra những áp lực cho chính sinh viên. Lựa chọn những môi trường phù hợp là cách tốt nhất để các em phát huy tối đa khả năng của mình.

Trao đổi với báo chí ngày 13/3, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho rằng, những thí sinh này đã vi phạm nghiêm trọng quy chế thi THPT Quốc gia. Những trường hợp được xác định có gian lận thi cử sẽ bị xử lý nghiêm theo đúng quy chế. Không loại trừ thí sinh ở bất kỳ trường nào, kể cả đang học ở trường công an, quân đội.

Bộ GD-ĐT đã có công văn yêu cầu Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình cập nhật kết quả thi lên hệ thống phần mềm quản lý thi, tiến hành rà soát xét lại tốt nghiệp. Đặc biệt phải thông báo kết quả đã được cập nhật đến cho các trường đại học, học viện, cao đẳng mà các thí sinh có liên quan học ở đó.

Bộ GD-ĐT cũng đề nghị các trường đại học chủ động liên hệ với Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình để cập nhật kết quả liên quan tới các thí sinh.

Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng khẳng định, hậu quả của gian lận thi cử là các thí sinh ngồi nhầm chỗ sẽ lấy đi cơ hội của thí sinh khác.

Trước những bất cập này, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan điều tra và xử lý nghiêm những sai phạm trong thi THPT Quốc gia ở Hòa Bình. Điều này cho thấy, tất cả những sai phạm trong thi cử dù ở bất kỳ hình thức nào, có âm mưu, tổ chức kỹ càng đến đâu với những thiết bị hiện đại đến mấy thì chắc chắn sẽ bị phát hiện và xử lý nghiêm.

“Những sai phạm của tỉnh Hòa Bình cũng đã được tìm ra được và xử lý nghiêm thì ở Sơn La cũng sẽ thực hiện được. Gian lận thi cử ở Sơn La cũng sẽ sớm được đưa ra ánh sáng. Đây cũng là quyết tâm để Bộ GD-ĐT tìm ra sai phạm. Còn lại, câu chuyện tuyển sinh là tự chủ của các trường trên cơ sở bám theo quy chế thi”, ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh./.