Trường Trung học cơ sở (THCS) bán trú cụm xã Lý Tự Trọng, xã biên giới AXan, huyện vùng cao Tây Giang, tỉnh Quảng Nam là nơi chăm sóc dạy dỗ hơn 750 học sinh, người Cơ Tu ở 4 xã AXan, Gary, Ch"Um và Trà Hy. Nhiều năm qua, trường không ngừng nâng cao chất lượng dạy học.

Vừa tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà, quê ở huyện Phú Ninh tình nguyện lên nhận công tác ở vùng cao AXan vào đúng lúc bão số 9 ập đến các tỉnh miền Trung. Từ đồng bằng lên đến trung tâm huyện Tây Giang phải hết một ngày đường. Nhìn lên vùng cao, trời đen kịt, xa xăm, đường tắc, cô giáo trẻ và đồng nghiệp phải lội bộ 1 ngày đường nữa mới đến ngôi trường nằm vắt vẻo giữa lưng chừng núi. Những ngày đầu chưa quen với cảnh núi rừng, nhớ nhà chỉ muốn về, nhưng nhìn lũ học trò nhem nhuốc, cô giáo lại thấy thương, rồi gắn bó.

Cô giáo Hà kể: “Mỗi lần đến trường, nhìn học trò nội trú tôi càng xót xa, thêm thương bọn trẻ. Mỗi em chỉ được cấp 100.000 đồng/tháng, bao gồm cả tiền ăn, tiền gạo và thực phẩm nên bữa cơm chỉ có một nồi  cơm và một thau canh rau rừng do các cô hái từ rẫy của dân trong vùng”.  Càng gắn bó với các em, các cô càng thấy thương học trò vùng cao và tự nhủ với lòng phải gắn bó với nghề dạy học ở vùng đất khó khăn này.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà, trường THCS Bán trú cụm xã Lý Tự Trọng tâm sự: “Lúc đầu, tôi không nghĩ là xa như thế này, đi lên trường rất cực, chắc đến nơi không còn sức nữa. Nhưng vì yêu nghề và thương học trò nơi đây, tôi đã tình nguyện cống hiến công sức, trí tuệ cho sự nghiệp “trồng người” ở vùng khó khăn này. Những lúc đi trực nội trú, nhiều khi trong người thấy mệt mỏi, trạm y tế ở đây rất ít nhưng thương học trò, tôi lại gắng sức vượt qua khó khăn để chuyên tâm vào dạy học. Những em học sinh có học lực khá thì tôi dạy những bài nâng cao. Còn những em năng lực học tập yếu, kém, tôi thường dành thêm thời gian kèm thêm cho các em”.

Những năm trước, khi chưa có trường bán trú cụm xã, trẻ em khi học hết bậc tiểu học phải xuống trung tâm huyện học tiếp, đường xa nhiều em phải bỏ học. Khi trường Lý Tự Trọng thành lập, các thầy cô phải đến từng nhà vận động các em đến lớp. Nhiều em nói tiếng Kinh không sõi, tự tay các thầy, các cô phải bày từng chữ, nắn từng lời để các em theo kịp chương trình. Thầy giáo Huỳnh Phước Tài tâm sự: “Chúng tôi phải hướng dẫn cách học cho các em. Nhiều em viết chữ sai chính tả, chúng tôi đều nắn nót hướng dẫn cho các em viết từng chữ. Ngoài việc hướng dẫn cách viết chữ, chúng tôi còn dạy các em cách tập đọc. Câu nào có 5 từ trở lên, nhiều em không đọc được nên tôi phải bày dần, phải bày các em từng từ, các đánh vần, dần dà các em mới tự học được tốt hơn”.

Ở mảnh đất biên cương xa xôi này, ngày xưa từng được coi là chốn rừng thiêng nước độc, không một cô giáo nào dám lên dạy học. Vì vậy, đã 6 năm qua, 32 giáo viên ở đây toàn là nam, bây giờ có thêm 6 cô giáo trẻ lên cùng gánh vác việc đưa chữ lên vùng cao, cả trường vui hẳn. Tất cả các giáo viên tuổi đời đều dưới 30. Đến Hiệu trưởng Phạm Tuấn, người được coi là có “thâm niên” ở vùng cao cũng chỉ ở tuổi 27. Tuổi trẻ sẵn lòng nhiệt huyết, hầu hết đều chưa lập gia đình, ngoài giờ dạy trên lớp, các thầy các cô còn dành thời gian kèm cặp từng học sinh để các em tiến bộ.

Ông ZơRâm Oi, người xã AXan nói: “Ngày xưa con lớn của tôi học hết lớp 5 phải ở nhà vì lên trường huyện xa quá. Bây giờ có trường cụm xã, con tôi được đi học, được các cô kèm cặp thêm. Bây giờ cháu học khá lắm. Cảm ơn các thầy các cô”.

Hầu hết học sinh đều ở xa, muốn đến trường phải lội suối băng rừng mất 1 buổi, bố mẹ lại ít quan tâm đến sự học của các cháu. Trong khi đó, số học sinh ở bán trú rất đông, gần 500 học sinh mà chỉ vẻn vẹn có 10 phòng để ở. Trang thiết bị dạy học thiếu thốn. Để các em học sinh đến trường một cách đều đặn, nhà trường đã cố gắng tổ chức, sắp xếp công việc một cách khéo léo để việc ăn ở bán trú của học sinh được tốt nhất.

Thầy Phạm Tuấn, Hiệu trưởng trường THCS bán trú cụm xã Lý Tự Trọng cho biết “Việc nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường đối với học sinh người dân tộc thiểu số hiện nay rất khó khăn. Vì thế, các thầy, cô giáo thường động viên nhau kèm cặp học sinh yếu. Vào 19h tối, trường tổ chức cho các em lên trường học thêm. Những em thật sự yếu kém, nhà trường bố trí thầy, cô kèm cặp thêm cho các em”.

Lăn lộn ngày đêm với từng con chữ dạy học trò, quà mà các thầy, các cô trường bán trú vùng cao nhận được dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) là những cánh hoa rừng do học sinh người Cơ Tu hái được trên đường đến lớp. Nhìn học sinh thân yêu của mình trưởng thành, sáng người, sáng dạ, các giáo viên vùng biên giới Tây Giang càng thêm yêu nghề./.