Bộ GD-ĐT vừa công bố mức điểm sàn (ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào thấp nhất) mà thí sinh cần đạt được nếu muốn đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ). Thông qua mức điểm sàn, các trường ĐH, CĐ sẽ xây dựng mức điểm chuẩn để thực hiện công tác tuyển sinh.
Nếu như mọi năm, điểm sàn ĐH áp dụng ở 5 khối thi truyền thống có nhiều mức khác nhau từ 13 đến 15 điểm và ở hệ CĐ giao động từ 10 đến 11 điểm thì năm nay, điểm sàn ĐH chỉ có một mức duy nhất là 15 điểm cho tất cả các khối thi và 12 điểm cho khối CĐ. Đây là sự thay đổi lớn của Bộ GD-ĐT nhằm giảm căng thẳng cho thí sinh cũng như hạn chế đáng kể những rắc rối, phức tạp trong công tác xét tuyển ĐH, CĐ theo phương thức mới là dùng kết quả của thi THPT Quốc gia để thực hiện.
Tuy nhiên, với những thay đổi về đề thi của kỳ thi THPT Quốc gia và mức điểm sàn năm nay có thể trực tiếp ảnh hưởng không nhỏ đến việc xét tuyển của các trường ĐH, CĐ ngoài công lập hay những trường thuộc “tốp” trung bình. Một trong những nguyên nhân là vì có những thí sinh đạt điểm rất cao ở 1 môn nào đó nhưng tổng cộng cả 3 môn thi không đủ điểm sàn nên không đủ tiêu chuẩn để xét tuyển theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Những năm trước đây, việc có nên giữ mức điểm sàn hay không luôn gây ra sự tranh luận đa chiều, chưa có hồi kết của các trường vào mỗi mùa tuyển sinh. Hầu như năm nào, các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đều đề nghị Bộ GD-ĐT bỏ mức giới hạn điểm sàn vì sẽ gây khó khăn đối với nguồn tuyển cho những trường này. Thế nhưng, bác bỏ sự mong đợi đó, Bộ GD-ĐT vẫn kiên quyết từ chối vì cho rằng, mức giới hạn điểm sàn đưa ra là nhằm giữ được chất lượng “đầu vào” tuyển sinh ĐH, CĐ.
Còn năm nay, điểm sàn xét tuyển ĐH, CĐ không hề giảm mà thậm chí còn ổn định một mức có thể nói là cao hơn mọi năm nên dự báo việc tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ ngoài công lập hay những trường thuộc “tốp” trung bình sẽ gặp nhiều khó khăn.
Đề thi THPT Quốc gia năm nay được cho là có tới 60% câu hỏi nằm trong phạm vi kiến thức, kỹ năng cơ bản để xét công nhận tốt nghiệp, 40% câu hỏi mang tính phân hóa cao để lựa chọn những thí sinh có năng lực vào ĐH, CĐ nên sẽ nhiều thí sinh đạt điểm trên trung bình. Hơn nữa, năm nay có tới gần 200 trường có phương án xét tuyển riêng, mà mức điểm trung bình 6,5 để được xét tuyển vào ĐH là việc quá đơn giản nên đương nhiên học sinh sẽ chọn nộp hồ sơ vào các trường ĐH tốp trên (các trường có uy tín về chất lượng đào tạo), tốp giữa chứ chưa chắc sẽ nộp vào các trường ĐH, CĐ tốp trung bình, các trường ĐH, CĐ ngoài công lập.
Bài toán đặt ra ở đây là khi Bộ GD-ĐT không bỏ điểm sàn hay mức điểm sàn có sự thay đổi thì việc quản lý công tác tuyển sinh, hoạt động của các trường ĐH, CĐ ngoài công lập hay những trường sẽ tuyển được ít thí sinh trong mùa thi năm nay sẽ như thế nào. Liệu rằng có thể xảy ra tình trạng có nhiều trường “luồn lách” để tuyển bằng được đủ chỉ tiêu tuyển sinh khi mà chất lượng đào tạo thực tế không đáp ứng được nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực? Đặc biệt là khi ngành Giáo dục đang hướng tới phân tầng các trường ĐH, CĐ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho việc Việt Nam tham gia Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Đây là những vấn đề cấp thiết và nếu không có sự quản lý chặt chẽ từ Bộ GD-ĐT và các cơ quan chức năng thì có thể xảy ra tình trạng “vỡ trận” đối với hệ thống giáo dục ĐH, CĐ nhưng chất lượng nguồn tuyển nhân lực “đầu ra” sẽ không đảm bảo.
Dự báo công tác tuyển sinh sẽ phức tạp
Như mọi năm, thí sinh thi xong ĐH, CĐ theo phương thức 3 chung (chung đề, chung đợt, chung kết quả xét tuyển), ngay từ vòng chấm đầu tiên, các trường đã dự kiến được điểm chuẩn để chọn lọc thí sinh sao cho đủ chỉ tiêu mà không cần chờ đến điểm sàn của Bộ GD-ĐT.
Còn trong kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, với việc thí sinh biết điểm thi trước sau đó mới đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 (NV1) nên chỉ khi hết hạn nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển, các trường ĐH,CĐ mới hình dung ra được mức điểm chuẩn dự kiến cũng như mới biết được số lượng thí sinh đăng ký vào trường mình là bao nhiêu. Mặt khác, việc các trường xây dựng điểm chuẩn và biết được số lượng thí sinh chính thức sẽ mất khá nhiều thời gian khi thí sinh được phép đăng ký tối đa 4 nguyện vọng vào các ngành khác nhau của trường ở đợt xét tuyển NV1.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, trong vòng 20 ngày của đợt xét tuyển đầu tiên, kể từ ngày 1 đến 20/8, thí sinh có quyền thay đổi các ngành trong 4 nguyện vọng hoặc rút hồ sơ xét tuyển vào trường đã đăng ký. NV1 sẽ được ưu tiên để xét tuyển. Theo đó, trong mỗi ngành đào tạo, các trường sẽ ưu tiên xét tuyển NV1 trước, khi còn thiếu chỉ tiêu mới xét đến nguyện vọng 2,3,4 trong cùng một đợt xét tuyển. Nhưng nếu thí sinh đã trúng tuyển NV1, sẽ không được xét tuyển ở các nguyện vọng 2,3,4. Tuy nhiên, NV1 các trường tuyển 70-75% chỉ tiêu. Các đợt sau chỉ còn khoảng 30% chỉ tiêu trong khi tỷ lệ hồ sơ “ảo” dự kiến sẽ rất lớn nên có thể công tác tuyển sinh năm nay sẽ khó lường trước rủi ro.
Việc xét tuyển năm nay cũng có thể rất phức tạp bởi thí sinh phải liên tục theo dõi thông tin từ phía các trường để cân nhắc chọn trường, chọn ngành phù hợp với số điểm thi, năng lực, sở trường của bản thân. Thông qua việc xét tuyển NV1, thí sinh mới quyết định có nên rút hồ sơ hay không. Tình trạng rút hồ sơ sẽ dẫn đến tình trạng náo loạn, mất trật tự nhất là vào những ngày cuối của mỗi đợt xét tuyển. Chính vì thế, nếu ngành Giáo dục không có sự quản lý một cách chặt chẽ, khoa học thì nguy cơ rủi ro, khó kiểm soát trong công tác xét tuyển chắc chắn sẽ xảy ra.
Kỳ thi THPT Quốc gia 2015 được coi “trận đánh lớn” đầu tiên của ngành Giáo dục nhằm đổi mới thi cử theo Nghị quyết 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục” của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Kỳ thi này sẽ tác động rất lớn đến hệ thống giáo dục ĐH, CĐ. Đây là năm đầu tiên Việt Nam tổ chức kỳ thi quốc gia với 2 mục đích có thể còn một số bất cập, thiếu sót. Tuy nhiên, nếu sớm phát hiện, lường trước và ngăn chặn kịp thời những bất cập trong công tác tuyển sinh thì những hệ lụy, ảnh hưởng lâu dài tới xã hội sẽ được giảm bớt./.