Trước thông tin Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) không công khai bộ đề, không công bố đáp án và không phúc khảo, trao đổi với phóng viên, Phó Giám đốc thường trực ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn, Trưởng Ban chỉ đạo thi Đánh giá năng lực (ĐGNL) tuyển sinh đại học chính quy năm 2016 cho biết có nhiều lý do trong vấn đề này.
Ông Nguyễn Kim Sơn cho biết, xuất phát từ sự khác biệt trong hình thức thi ĐGNL với thi truyền thống. Phương thức thi mới với mục tiêu đo năng lực người học, lấy đó làm căn cứ phục vụ tuyển sinh. Cơ sở của việc này là bộ đề thi được chuẩn hóa. Đây là 2 trục “xương sống” của hình thức thi ĐGNL.
Cán bộ ĐHQGHN kiểm tra máy tính trước giờ thi |
Đề thi ĐGNL khác biệt so với đề thi mô hình truyền thống. Đề truyền thống là kiểm tra kiến thức, xem thí sinh nhớ được gì, kiến thức đến đâu, đánh giá học lực của thí sinh và để dùng 1 lần. Do đó việc giám sát bộ đề thi truyền thống là xem ra đề có đúng hay không? Có phù hợp với kiến thức học sinh hay không? Có phân loại được không? Học sinh có làm được hay không?
Mục tiêu của đề thi truyền thống là xem học sinh đã học được cái gì ở bậc trung học để có thể cho phép vào học đại học hay không? Còn thi ĐGNL là đánh giá học sinh có năng lực gì để có thể vào được đại học. Đây là hai điểm khác biệt.
Ông Nguyễn Kim Sơn cũng khẳng định, việc ra đề của thi truyền thống cũng
có quy trình rất nghiêm ngặt, nhưng không phải là bộ đề qua quá trình thử nghiệm và chuẩn hóa như đề thi ĐGNL. Đề thi ĐGNL đã được thử nghiệm trong thực tế, được rà soát nhiều vòng thì khả năng các câu sai được giảm thiểu đến mức nhỏ nhất.Quá trình 12 bước làm đề với 100 cán bộ là hình thức tự kiểm duyệt bên trong thay cho giám sát xã hội, bởi đề đã được phản biện nhiều vòng, đem ra thử nghiệm thực tế, không chỉ đúng – sai mà là độ khó, độ phân loại thí sinh, độ cân bằng, độ kết nối và đáp ứng được mục tiêu đó.
Một lý do nữa, theo ông Nguyễn Kim Sơn, với yêu cầu của một bộ đề thi tổng hợp có số lượng lớn, đề thi ĐGNL không phải thiết kế để dùng 1 lần mà sử dụng cho nhiều ca, nhiều lần, nhiều đợt thi với những đề thi riêng cho từng thí sinh.
TS. Sái Công Hồng, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Kiểm định Chất lượng (ĐHQGHN) cũng cho biết, mục tiêu của thi THPT Quốc gia khác với thi đánh giá năng lực. Hơn nữa, đề thi được chuẩn hóa với quá trình làm đề trải qua 12 vòng tách biệt, do đó không có chuyện “đề thi không có đáp án”. Ở các nước phát triển, đề thi ĐGNL cũng không được công bố vì nó được sử dụng nhiều lần.Ông Sái Công Hồng cũng chia sẻ thêm, những thông tin trôi nổi trên mạng về đề thi ĐGNL kiểu như “Thạch Sanh Quê ở đâu” từng xuất hiện là không chính xác. Bởi khi làm bài, thí sinh sẽ không thể nhớ hết đầy đủ, chi tiết của đề thi dẫn đến việc “lắp ráp” không đầy đủ, tạo nên thông tin sai lệch./.