Đề thi gồm 150 câu hỏi trắc nghiệm, trong đó có 18 câu hỏi dạng điền đáp án, được thực hiện trong vòng 195 phút gồm 3 phần: Tư duy định lượng: 50 câu hỏi – 75 phút; Tư duy định tính: 50 câu hỏi – 60 phút; Khoa học: 50 câu hỏi – 60 phút.

Năm 2021, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực học sinh THPT phục vụ việc xét tuyển vào trường và một số đơn vị khác có nhu cầu.

Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo đại học và sau đại học, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, bài thi đánh giá năng lực năm nay được đổi mới, phù hợp với những điều chỉnh mới trong chương trình giáo dục phổ thông.

Cơ bản, cấu trúc bài thi kế thừa trên 90% dạng thức bài thi của năm 2016. Tổng điểm bài thi là 150. Mỗi câu đúng được 1 điểm. Các thí sinh làm bài thi đánh giá năng lực trên máy tính và được gắn mã Q00. Mỗi thí sinh sử dụng 1 mã đề thi độc lập. Ngân hàng đề thi dự kiến đạt hơn 15.000 câu hỏi.

Các câu hỏi sử dụng cho bài thi đánh giá năng lực được tinh chỉnh, lựa chọn theo khối kiến thức trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành tương ứng với 3 nhóm: Sáng tạo và giải quyết vấn đề; năng lực Toán, Tiếng Việt, tư duy ngôn ngữ, lập luận, logic, tính toán và xử lý số liệu; tự học, khám phá và ứng dụng công nghệ/khoa học (tự nhiên - xã hội).

Dự kiến năm nay, trường sẽ tổ chức thi cho 1.000 - 2.000 thí sinh/đợt với khoảng 4 - 5 đợt, tùy thuộc vào số lượng thí sinh đăng ký. Thí sinh được tự chọn ngày thi, giờ thi, ca thi. Các thông tin dự thi, kết quả thi được đăng tải trên cổng thông thi khảo thí của trường. Trường sẽ tổ chức thi ở Trung tâm Khảo thí và Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực sẽ được sử dụng như một phương án xét tuyển, song song với phương thức xét khác đã được Đại học Quốc gia Hà Nội triển khai trong năm 2020. Số chỉ tiêu xét tuyển theo điểm của bài thi đánh giá năng lực do các trường, khoa thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội xem xét quyết định.

Cùng với đó, các trường đại học khác ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội đều có thể sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực này như một phương án xét tuyển sinh đại học.

Về lý do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức bài thi đánh giá năng lực, GS Đức chia sẻ, theo Luật Giáo dục đại học, việc tuyển sinh sẽ được giao cho các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Trong khi đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT hướng tới mục tiêu chỉ phục vụ xét tốt nghiệp. Do vậy, các trường đại học phải chủ động có phương án tuyển sinh riêng.

Từ đó, Đại học Quốc gia Hà Nội quyết định khởi động lại kỳ thi đánh giá năng lực học sinh THPT với nhiều mục đích, trong đó có mục tiêu trước mắt sử dụng kết quả kỳ thì này bổ sung phương án tuyển sinh vào các trường đại học thành viên, khoa trực thuộc.

Ngoài ra, bài thi đánh giá năng lực còn phục vụ cho nhiều mục đích như: Đánh giá năng lực của học sinh THPT theo chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông mới; định hướng nghề nghiệp cho người học trên nền tảng kiến thức và năng lực cá nhân; kiểm tra kiến thức tự nhiên, xã hội, tư duy, kỹ năng, thái độ của người học... Đây là một trong những căn cứ quan trọng để xếp loại các trường THPT, góp phần xây dựng, hoàn thiện chính sách quốc gia về giáo dục đào tạo./.