Thời gian vừa qua, tại một số thành phố lớn có thực trạng một số trường ngoài công lập bất ngờ tăng học phí khiến nhiều phụ huynh băn khoăn, thậm chí là có phản ứng gay gắt.

Theo Luật Giáo dục năm 2005 và Nghị định 86 của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế thu, quản lý học phí đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, các trường ngoài công lập, bao gồm cả đại học lẫn phổ thông đều được “tự xác định học phí”.

tang_hoc_phi_hgbo.jpg
Việc một số trường ngoài công lập bất ngờ tăng học phí cao đã khiến phụ huynh lo lắng (ảnh minh họa)

Do đó, mức học phí trường ngoài công lập hoàn toàn là thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh. Tuy nhiên, khi mức học phí mà nhà trường đề nghị tăng không theo kế hoạch, không có lộ trình, gây bị động cho phụ huynh đang xảy ra những bất đồng, gây dư luận xấu cho xã hội. Hậu quả học sinh sẽ là người chịu thiệt thòi nhất nếu như phải chuyển trường, thay đổi môi trường học tập, ảnh hưởng đến sự phấn đấu và kết quả học tập của học sinh.

Điều đáng quan tâm trước những bất cập trên, đó là thẩm quyền của ngành Giáo dục trong việc giải quyết các vấn đề nêu trên. Bởi theo Luật Giáo dục năm 2005, các cơ quan quản lý Nhà nước không có thẩm quyền quản lý việc thu chi của các trường ngoài công lập. Các trường này hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

Ngành Giáo dục địa phương chỉ giám sát về chỉ tiêu tuyển sinh, chương trình đào tạo, còn về tài chính của trường thì chỉ các cơ quan về thuế mới được quyền giám sát.

Cho đến nay, vấn đề thu học phí của trường ngoài công lập lại được nhắc đến tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV khi Chính phủ trình lên Quốc hội xem xét, góp ý cho sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục.

Luật Giáo dục sửa đổi phải có sự kiểm soát mức tăng học phí 

Nhằm thu hút học sinh vào học, nhiều trường có chiêu thức đưa ra mức học phí ở năm đầu tiên thấp, phù hợp với kinh tế của gia đình học sinh. Tuy nhiên, mức học phí này lại bị tăng lên dần, thậm chí là đột ngột ở những năm sau. Vì thế, nhiều phụ huynh đã cho con học ở trường  ngoài công lập khó có thể đưa con đi học nơi khác.

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (đoàn Cần Thơ) đề xuất, để kiểm soát mức học phí ở trường ngoài công lập, cơ quan quản lý Nhà nước phải có văn bản quy định rõ các trường phải công khai minh bạch mức tăng, lộ trình tăng từng năm là bao nhiêu. Mức tăng này phải là sự công bố rõ ràng, ổn định cho phụ huynh biết ngay từ khi cho con vào học ở trường.

Đại biểu Thanh Phương cho rằng, chúng ta có thể yêu cầu các trường công khai mức học phí của các trường ngoài công lập lên trên website. Việc kiểm soát mức tăng học phí nên giao cho ngành Giáo dục địa phương, UBND phường có trường ngoài công lập giám sát.

Theo đại biểu Thanh Phương, trong Luật Giáo dục sửa đổi nên yêu cầu mức học phí của các trường ngoài công lập phải phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội và giao cho Chính phủ quy định chi tiết.

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (ảnh: quochoi.vn)

Tuy nhiên, trong luật cũng không nên quy định cụ thể là thu bao nhiêu tiền mà điều này nên quy định ở văn bản dưới luật. Như vậy, ở từng thời điểm khác nhau, Chính phủ có thể điều chỉnh được mức thu học phí hay cho phép mức trần học phí mà các trường ngoài công lập được thu là bao nhiêu. 

Phải quy định rõ trách nhiệm giải trình về thu chi và chất lượng giáo dục

Mức can thiệp của cơ quan quản lý Nhà nước đối với việc thu học phí ở các trường ngoài công lập được giới hạn, bởi vì các trường ngoài công lập được tự chủ vấn đề tài chính.

Trong thực tế, có trường đưa ra mức thu học phí vượt quá khả năng chi trả của phụ huynh hoặc không đi theo lộ trình phù hợp nên đã tạo bức xúc trong dư luận xã hội. Xã hội hoá không đúng hướng đã ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi học tập của học sinh.

Như vậy, vấn đề là khi giao quyền tự chủ cho các trường ngoài công lập thì đồng thời cũng phải yêu cầu các trường có trách nhiệm giải trình, công khai minh bạch mức thu học phí và chất lượng giáo dục tương ứng. Đó là ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp).

Về mặt lý thuyết, mức học phí ở trường ngoài công lập là sự thỏa thuận của phụ huynh với nhà trường. Dù tăng hay giảm thì mức học phí phải tương xứng với kinh phí đầu tư cho hoạt động và chất lượng đào tạo của trường. Khi mở rộng xã hội hoá, đương nhiên có sự cạnh tranh giữa các trường ngoài công lập. Do vậy, thu mức nào, tăng bao nhiêu, thì các trường phải cân nhắc kỹ lưỡng, bảo đảm hợp lý để người học có thể chấp nhận được.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa

Cũng theo đại biểu Mai Hoa, để có thể kiểm soát, điều tiết mức thu học phí của các trường ngoài công lập thì vấn đề kiểm định chất lượng giáo dục cần phải tính đến. Đây là trách nhiệm các cơ quan quản lý Nhà nước, nhất là trong vấn đề hậu kiểm và yêu cầu công khai, minh bạch thông tin của cơ sở giáo dục. Tất nhiên, về phía người học và gia đình, cần tìm hiểu đầy đủ thông tin về chất lượng đào tạo của nhà trường, về quyền lợi và nghĩa vụ của người học, trên cơ sở đó mà cân nhắc, lựa chọn khi nhập học.

Người dân luôn mong muốn chất lượng đào tạo ở trường ngoài công lập phải tương ứng với đồng tiền mà họ bỏ ra. Vì vậy, họ cũng muốn yêu cầu công khai chất lượng đào tạo của các trường. Nếu công khai minh bạch chất lượng đào tạo của các trường thì vấn đề tăng hay giảm học phí sẽ không khiến phụ huynh phải băn khoăn nhiều.

Còn đại biểu Trần Tất Thế (đoàn Hà Nam) nêu quan điểm, việc thu học phí ở trường ngoài công lập đều có sự thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh. Tuy nhiên, khi có thắc mắc, phản hồi từ phía phụ huynh về mức tăng học phí của nhà trường thì trường học đó phải giải trình rõ. Nếu vụ việc trở nên căng thẳng thì bắt buộc ngành GD-ĐT, UBND, HĐND ở địa phương phải vào cuộc giải quyết./.

Bích Lan/VOV.VN