Sau 180 phút dự thi môn Lịch sử kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016, đúng 10h30 sáng 3/7, thí sinh làm bài xong.

Đề thi môn Lịch sử gồm 4 câu hỏi, bao gồm cả lịch sử Việt Nam và thế giới. Đề thi năm nay được đánh giá là có sự bứt phá trong cách ra đề vì gồm nhiều câu hỏi “mở”, đòi hỏi thí sinh có tư duy, sự hiểu biết các vấn đề chính trị-xã hội, gắn lý thuyết với áp dụng vào cuộc sống thực tiễn.

Các câu hỏi “mở” như: Nêu vai trò của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đối với Cách mạng Việt Nam; cho biết ý kiến của anh (chị) về quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ của Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (12-1953); Phát biểu suy nghĩ của anh chị về chủ trương “thực hiện chính sách Đại đoàn kết dân tộc của Đảng”; Theo anh (chị), thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay cần làm gì để phát huy truyền thống đoàn kết dân tộc.

thi_su_2_vov_ysku.jpg
Thí sinh xem lại đề sau khi làm bài xong môn Lịch sử sáng 4/7

Thích thú với đề thi có nhiều câu hỏi “mở”, thí sinh Đỗ Hằng My, trường THPT Trần Phú-Hoàn Kiếm Hà Nội cho biết: “Em làm được hết đề và rất vui vì đề thi năm nay có sự đột phá về cấu trúc ra, nhiều câu hỏi “mở” phát huy tư duy, sự hiểu biểu linh hoạt của thí sinh. Cách thức ra đề này sẽ góp phần giảm tải thí sinh không phải học thuộc lòng, nhớ quá nhiều sự kiện, chi tiết. Điều này có thể giúp học sinh hứng thú học môn Lịch sử hơn”.

Cùng chung nhận định trên, thí sinh Nguyễn Thị Liên Trang, trường THPT Đoàn Kết-Hai Bà Trưng, Hà Nội bày tỏ: “Từ lâu nay, học sinh rất chán ghét học môn Lịch sử vì phải nhớ nhiều sự kiện, ngày tháng và các chi tiết từng trận đánh nên có nhiều bạn không chọn môn học này để tham dự kỳ thi THPT Quốc gia.

Tuy nhiên, với cách thức ra đề thi có sự cải tiến như năm nay, với nhiều câu hỏi phát huy tư duy, liên hệ với đời sống thực tiễn, em hy vọng sẽ có nhiều học sinh quay trở lại với môn Lịch sử. Em thích cách thức ra đề như năm nay vì không phải quá chú trọng vào việc học thuộc lòng từng dòng sử một”.

Bên cạnh những thí sinh hứng thú về đề Lịch sử năm nay thì cũng có những thí sinh không làm được bài vì cho rằng, đề thi hơi dài.

Thí sinh Nguyễn Ngọc Tuấn, ở Gia Lâm, Hà Nội là thí sinh ra khỏi phòng thi trước 20 phút. Em không làm hết đề và còn để lại câu lịch sử thế giới.

Nhận xét về đề thi Lịch sử năm nay, Ngọc Tuấn nói: “Làm bài theo câu hỏi “mở” không dễ dàng vì không chỉ thí sinh phải có kiến thức mà còn phải liên hệ với thực tế, phải suy nghĩ xem sự kiến đó gắn với từng vấn đề xã hội như thế nào. Vì thế, ở trường học cần trang bị thêm cách thức làm bài theo dạng đề này cho học sinh”.

Cho rằng đề thi năm nay vừa sức với học sinh nhưng Trương Thị Thanh Huyền, quận Long Biên, Hà Nội lại không làm được câu hỏi hỏi cuối cùng có nhiều ý đòi hỏi tư duy của thí sinh.

Thanh Huyền nêu ý kiến, những câu hỏi “mở” trong đề thi đều rất hay nhưng em chưa quen với cách thức ra đề thi kiểu này nên không làm được vì em chưa biết gắn kết những kiến thức đã học với những vấn đề chính trị-xã hội. Thêm nữa, có thể em chưa thường xuyên làm các đề kiểu dạng này nên không làm hết đề thi.

Chiều cùng ngày, thí sinh sẽ làm nốt môn thi Sinh học-môn thi cuối cùng của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016./.