Sáng 22/3, học sinh Hà Nội làm bài tổ hợp môn Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) trong đợt khảo sát kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017.

Sau khi kết thúc buổi thi, đa số học sinh đánh giá, đề thi môn Lịch sử thi theo hình thức trắc nghiệm là hợp lý, tránh tình trạng học thuộc lòng, “học lệch, học tủ”, học sinh không phải viết mỏi tay... Tuy nhiên, các câu hỏi giữa lịch sử Việt Nam và thế giới bị xáo trộn khiến học sinh khó nhớ hết kiến thức để làm bài.

Là học sinh chọn tổ hợp Khoa học xã hội để xét tuyển vào các trường đại học nhưng học sinh Nguyễn Mai Hoa, lớp 12 D0, trường THPT Việt Đức, Hà Nội cho biết: Đề thi gồm 40 câu nhưng các câu hỏi về phần lịch sử Việt Nam và thế giới được sắp xếp bị đảo lộn khiến em bị hoang mang, lúng túng và có thể dẫn đến làm sai vì các kiến thức quá rộng.

hoc_sinh_2_vov_jpah.jpg
Học sinh xem lại đề thi môn Lịch sử kỳ thi thử THPT Quốc gia năm 2017 của Hà Nội

Mặc dù đề thi môn Lịch sử không phải viết nhiều nhưng phần trắc nghiệm đòi hỏi thí sinh phải nhớ chính xác mốc thời gian, địa điểm và các nước diễn ra một sự kiện nào đó. Nếu học sinh chỉ nhớ địa điểm, các nước mà mốc thời gian gần đúng thôi thì cũng là sai.

Trong đề thi có những câu hỏi nói về tại sao lại xảy ra một sự kiện lịch sử cũng không dễ dàng tích vào câu trả lời trắc nghiệm được vì đòi hỏi học sinh phải hiểu sâu sắc, đúng bản chất sự kiện và có sự học hỏi liên kết.

Nếu như đề thi tự luận môn Lịch sử được ra như mọi năm, xác suất học sinh trình bày quan điểm, cảm nhận về sự kiện nào đó có thể dựa trên sự may rủi. Nếu đề ra “trúng tủ” thì học sinh có thể làm tốt và ngược lại. Còn đề thi trắc nghiệm môn Lịch sử không thể tích bừa đáp án được. Đó là ý kiến của hóc sinh Lê Minh Hòa, lớp 12D6, trường THPT Việt Đức, Hà Nội.

Theo Lê Minh Hòa, đề thi thử môn Lịch sử năm nay vừa sức với học sinh, có tính phân loại cao, đòi hỏi thí sinh phải có sự am hiểu rõ nét các sự kiện và nhớ chính xác thời gian, địa điểm, diễn biến sự kiện thì mới có thể làm được.

Tuy nhiên, đề thi gồm nhiều câu hỏi, kiến thức quá rộng nên để đạt được được điểm cao thì đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức xuyên suốt, liên kết với nhau./.