Những ngày qua, sau khi các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Phú Yên kết thúc kỳ thi kiểm tra học kỳ II môn Lịch sử khối lớp 9 và 10, dư luận tỉnh Phú Yên đã "dậy sóng" với Bộ Đề thi do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Yên ra đề.

Nhiều học sinh và một giáo viên đã viết đơn trình bày ý kiến không đồng tình với đáp án cho điểm của Sở Giáo dục và Đào tạo. Sáng qua (1/6), Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Yên đã tổ chức cuộc họp Hội đồng khoa học để phản biện bộ đề thi môn Lịch sử với cán bộ phụ trách các phòng chuyên môn, đại diện Ban Giám hiệu và Tổ bộ môn Lịch sử các trường THPT toàn tỉnh. 

de_thi_ldhx.jpg
Đề thi gây tranh cãi (Ảnh: KT)

Tiến sĩ Nguyễn Văn Giác, Giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Trần Quốc Tuấn, huyện Phú Hòa, người có đơn kiến nghị khẩn cấp gửi đến Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Yên cho rằng, đề kiểm tra chính thức học kỳ II, môn Lịch sử gồm 3 câu hỏi thì đã có tới 2 câu quá dài dòng, hỏi không rõ ràng.

Trong khi đó, hướng dẫn chấm điểm do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Yên ban hành lại không bám sát câu hỏi khiến nhiều học sinh bị mất điểm do có những cách hiểu khác nhau. Toàn bộ 3 đáp án này, cả 3 câu hỏi đều chép nguyên xi ở trong đề cương thì không có ý nghĩa giáo dục. Tiến sĩ Nguyễn Văn Giác đề nghị Sở sớm có biện pháp khắc phục tránh thiệt thòi cho học sinh.

Theo Tiến sỹ Giác, câu hỏi 2 của đề thi yêu cầu học sinh trình bày quá trình sụp đổ của triều Lê sơ và sự thành lập nhà Mạc; nguyên nhân dẫn đến đất nước bị chia cắt thành Bắc triều và Nam triều, Đàng Ngoài và Đàng Trong. Trong khi đối chiếu với đáp án, các thuật từ “quá trình” và “nguyên nhân” đúng ra phải hoán chỗ cho nhau trong câu hỏi này. Mặt khác, câu hỏi không yêu cầu học sinh trình bày những chính sách ổn định xã hội của nhà Mạc, nhưng đáp án lại có.

Tương tự, “câu hỏi 3” yêu cầu học sinh giải thích vì sao thời kỳ chuyên chính dân chủ Gia-cô-banh là đỉnh cao của cuộc cách mạng Pháp cuối thế kỷ XVIII, thì trong đáp án lại có cả một ý dài đòi hỏi học sinh phải trình bày lý do và sự sụp đổ của phái này. Từ đó dẫn đến tình trạng bài làm của những học sinh bám sát đề đều không trùng khớp với đáp án.

Kết quả về điểm số là một kịch tính tương phản. Học sinh nào hiểu đề thì không đạt điểm tối đa, trong khi những học sinh sao chép nguyên xi kiến thức có trong đề cương ôn tập lại đạt điểm tối đa.

Ông Dương Bình Luyện, Trưởng phòng Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Yên thì cho rằng: “Tiến sĩ Nguyễn Văn Giáp đang đẩy vấn đề hàn lâm, vượt mức độ giáo dục phổ thông. Cái đó rất tốt cho nghiên cứu. Tôi nghĩ thầy Giáp nên dành khoa học của mình cho nghiên cứu sách giáo khoa. Còn vấn đề giáo dục phổ thông thì nên dừng ở mức độ phổ thông”.

Một số ý kiến khác trong ngành Giáo dục Phú Yên thì cho rằng, đáp án lệch so với yêu cầu đề thi. Tuy nhiên mức độ không nghiêm trọng, với đề thi này học sinh có thể hoàn thành tốt bài thi.

Ông Ngô Ngọc Thư, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Yên cho rằng, đề thi trên, Sở đã tiến hành thẩm định, lấy ý kiến tất cả 34 tổ trưởng chuyên môn liên quan môn Lịch sử của các trường THPT trong toàn tỉnh. Tất cả đều không có ý kiến gì và cho rằng đề thi - đáp án trên là hợp lý.

Ông Ngô Ngọc Thư khẳng định: “Trước hết, đề kiểm tra thì anh chị em chúng ta đã khẳng định là đúng. Sở nào ép buộc đâu? Tất cả đều công nhận đề kiểm tra đó là chính xác. Hướng dẫn chấm cũng còn một số chỗ chưa thật hoàn chỉnh. Do đó, trong quá trình làm hướng dẫn chấm sau này cần kỹ hơn, để trong quá trình chấm, giáo viên thuận lợi hơn”.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Yên đã ghi nhận ý kiến phản hồi của Tiến sỹ Nguyễn Văn Giác và cho biết: việc ra đề thi kiểm tra trong thời gian tới sẽ được thực hiện chặt chẽ hơn.

Theo ông Thư, với đề kiểm tra môn Lịch sử khối lớp 9 và 10 - học kỳ II vừa qua, với 67,9% số học sinh làm bài đạt điểm từ 5 trở lên cho thấy mức độ sai lệch của đề thi và đáp án là không nghiêm trọng.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Yên sẽ nghiêm túc nhìn nhận lại việc này, đồng thời đặc biệt chú ý đến chất lượng ra đề thi trong thời gian tới./.