Sáng nay (7/8), các thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 làm bài thi môn Hóa, thuộc bài tổ hợp Khoa học tự nhiên. Nhận xét về đề thi Hóa đợt 2, thầy Đoàn Chí Trung, giáo viên trường THPT Ngô Quyền (Hải Phòng) cho rằng, nội dung đề thi môn Hóa học năm 2021 đợt 2 bám sát cấu trúc, ma trận đề minh họa và giống đề thi đợt 1 theo hướng tinh giản chương trình.

Đề thi phân hóa rõ ràng, phân tích mã đề 223, thầy Đoàn Chí Trung cho rằng, học sinh có học lực trung bình có thể giải quyết được 27 câu đầu ứng với mức độ biết và hiểu (từ câu 41 đến câu 67), học sinh khá có thể xử lý được 7 câu tiếp theo ở mức độ vận dụng (câu: 68,70,72,74, 77,79, 80). Học sinh giỏi sẽ làm được thêm 4 câu (câu 71, 73,75,76) và giỏi thực sự mới giải quyết được 2 câu còn lại (câu 69, 78) đặc biệt là câu 78 là khó nhất đề thuộc phần este. Nhìn chung các câu hỏi trong đề thi đợt 2 đa phần đều là các câu khá quen thuộc, học sinh đã được luyện nhiều trong quá trình ôn luyện và việc tham khảo đề thi minh họa và đề đợt 1.

So với đề đợt 1, thầy Trung nhận định đề chính thức đợt 2 ở mức độ tương đương. Như vậy đề đã đáp ứng được 2 yêu cầu là xét tốt nghiệp và các trường đại học có thể sử dụng để xét tuyển. 

"Về tính mới, theo tôi đề thi ra tương đối an toàn, bám sát chương trình cơ bản nên không có nhiều ý tưởng mới như đề đợt 1, tuy nhiên điều này rất phù hợp với tình hình dịch hiện nay. Về phổ điểm, dự đoán điểm trung bình sẽ tập trung ở khoảng 6 – 7 điểm. Sẽ nhiều điểm 10 hơn đề đợt 1", thầy Trung nói.

Còn theo nhận định của các giáo viên thuộc tổ Khoa học tự nhiên Hệ thống giáo dục HOCMAi, đề thi Hóa đợt 2 có 92,5% số câu hỏi thuộc chương trình lớp 12, 7,5% số câu hỏi thuộc chương trình lớp 11. Khoảng 70 % số câu hỏi (28 câu) ở mức độ nhận biết và thông hiểu, 22,5% số câu (9 câu) ở mức độ vận dụng, 7,5% số câu hỏi (3 câu) thuộc mức độ vận dụng cao.

Đề thi có 27,5% số câu hỏi (11 câu) là bài tập tính toán, 72,5% số câu hỏi (29 câu) là câu lí thuyết. Đề thi không xuất hiện câu hỏi thuộc dạng bài mới. Ngoài việc đảm bảo mục tiêu xét tốt nghiệp, đề thi có độ phân hóa phù hợp cho mục tiêu xét tuyển đại học.

So với đề thi đợt 1, tỉ lệ câu hỏi lí thuyết/câu hỏi tính toán và tỉ lệ câu thuộc lớp 11/lớp 12 có sự khác nhau không đáng kể. Số lượng câu hỏi đơn giản (thuộc mức độ nhận biết, thông hiểu) phục vụ mục đích xét tốt nghiệp THPT không có sự thay đổi nhiều (khoảng 28-30 câu). Số lượng câu hỏi thuộc mức độ vận dụng và vận dụng cao phục vụ mục đích sử dụng kết quả làm căn cứ giúp các trường đại học tuyển sinh đầu vào có sự thay đổi 1 chút. Cụ thể, số câu vận dụng trong đề lần 2 tăng lên (3 câu) và số câu vận dụng cao giảm xuống (1 câu) nhưng đề không xuất hiện câu hỏi mới, lạ. Sự thay đổi này không ảnh hưởng nhiều đến độ công bằng giữa 2 lần thi, tức là đề lần 1 và đề lần 2 có độ khó tương đương nhau./.