Tại phiên thảo luận ở tổ của kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV sáng 24/10 tại Hà Nội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đại biểu Quốc hội Phan Thanh Bình TP HCM cho biết: Việc cải cách trường đại học (ĐH), thi và xét tuyển nên giao quyền tự chủ hơn nữa cho các trương ĐH về vấn đề tuyển sinh.
Các trường ĐH có phương án và trình lên cấp trên xét duyệt, để phù hợp yêu cầu, nguyện vọng của học sinh và năng lực của trường ĐH, giống như các nước khác đang làm. Cần phải xây dựng cơ chế tự chủ ở các trường ĐH để nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, cần có lộ trình và nghiên cứu kỹ lưỡng, thực hiện thí điểm… Hiện tự chủ ở trường ĐH có vấn đề là khó tuyển sinh, đặc biệt là các trường đào tạo khoa học công nghệ…
Vì thế, không phải trường ĐH nào cũng cho tự chủ, cho tự chủ hàng loạt là không nên… Tự chủ ĐH là khó nhưng phải làm, nếu không tự chủ, đừng nói chuyện cải cách giáo dục, nguồn nhân lực sẽ không đảm bảo chất lượng, đất nước sẽ khó phát triển vì nguồn lực là yếu tố then chốt trong phát triển kinh tế-xã hội.
Ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa- Giáo dục -Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (ảnh: báo Giáo dục VN)
Trước đó, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị Tổng kết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập theo Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ giai đoạn 2014-2017.
Tại đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, việc tự chủ đại học (ĐH), sẽ không phải bàn có cần làm hay không mà đã thống nhất là phải làm; phải ban hành các văn bản chính thức để tiếp tục làm tiếp. Nếu chưa kịp ban hành văn bản mới để tháo gỡ vướng mắc thì tiếp tục cho các trường làm như hiện nay.
Tự chủ ĐH là một thuộc tính cần thiết của ĐH thế giới. Chúng ta không còn sự lựa chọn nào khác là phải thực hiện tự chủ ĐH có tính đặc thù của Việt Nam, nhưng về cơ bản phải theo quy luật phát triển giáo dục ĐH thế giới.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, tự chủ trước hết đặt ra là tự chủ về chuyên môn, học thuật trong giảng dạy và nghiên cứu, bỏ can thiệp hàng ngày, có tính hành chính, áp đặt hành chính vào trong nội bộ các trường ĐH. Từ đó, ra các quyền về bộ máy, nhân sự, bao gồm cả thành lập, bổ nhiệm, miễn nhiệm, chế độ đãi ngộ và tự chủ tài chính chỉ là 1 phần.
Tự chủ tài chính phải được hiểu là một cơ sở nói chung, trong đó có ĐH được tự chủ về tài chính là được tự chủ về thu và chi theo quy định pháp luật.
Sau ba năm triển khai tự chủ ĐH, đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2015-2017 theo Nghị quyết 77 cho 23 cơ sở giáo dục đại học công lập, gồm 12 cơ sở có thời gian tự chủ trên 2 năm, 11 trường có thời gian tự chủ dưới 2 năm, trong đó có 4 trường mới được giao quyết định tự chủ từ tháng 7/2017./.
Phó Thủ tướng: Làm tốt tự chủ đại học là trách nhiệm với đất nước
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Tự chủ đại học vẫn còn nhiều bất cập