Theo phổ điểm, trong các môn thi trong kỳ thi THPT Quốc gia thì môn ngoại ngữ có phổ điểm thấp nhất, trên 80% số học sinh có mức điểm dưới trung bình và phần lớn là 2 - 3,5 điểm. Vì sao môn ngoại ngữ, chủ yếu là tiếng Anh, bắt buộc học từ lớp 3, đến khi thi THPT lại cho kết quả thấp như vậy?

Vì sao khi kết quả mỗi học kỳ của các em đều phần lớn là “khá” và “giỏi” nhưng kết quả thi cuối cấp lại rất thấp? Và vì sao ngành Giáo dục cũng như chuyên gia chỉ ra nhiều tồn tại trong cách dạy và học tiếng Anh, rồi cũng đã thay đổi, cải tiến nhưng kết quả không như mong đợi?

Toàn học sinh khá giỏi, sao điểm ngoại ngữ thấp?

Trao đổi với phóng viên VOV về vấn đề này, GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, người có nhiều năm làm trong ngành giáo dục, chia sẻ: Ông không bất ngờ với kết quả này và nhiều người cũng không bất ngờ. Thực ra thi tốt nghiệp chỉ thi viết, còn nếu thi cả nghe và nói thì chắc kết quả còn kém hơn nữa!

day_hoc_tieng_anh_maqj.jpg
Các bài học tiếng Anh đầu tiên ở các khối lớp đều bắt đầu bằng bài chào hỏi (Ảnh: KT)

Theo GS. Thuyết, nhìn vào biểu điểm ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, có thể thấy rất lo ngại vì chúng ta đang hội nhập đang rất sâu rộng và ngoại ngữ, trong đó chủ yếu là tiếng Anh, được coi là yếu tố quan trọng để mỗi người dân và đất nước hội nhập thành công.

Đặc biệt cuối năm nay, Cộng đồng ASEAN sẽ ra đời và đây là một thị trường mở. Câu hỏi đặt ra là những doanh nghiệp nước ngoài mở ở Việt Nam sẽ tuyển lựa lao động nào? Chắc chắn họ sẽ nghiêng về tuyển lao động có ngoại ngữ. Do đó ta sẽ thua ngay trên sân nhà, số thất nghiệp sẽ tăng lên.

“Chúng ta thấy việc dạy và học ngoại ngữ yếu từ lâu rồi và đã xây dựng Chương trình Quốc gia về dạy và học ngoại ngữ, phấn đấu đến năm 2020 kết thúc Chương trình này. Tuy nhiên, từ nay đến năm 2020 chỉ còn 5 năm nữa mà học sinh học tiếng Anh như thế này thì gay quá” – GS. Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ.

GS. Nguyễn Minh Thuyết dẫn chứng: “Tôi được biết, giáo trình tiếng Anh cho lớp 3 – năm đầu tiên các em tiếp xúc với tiếng Anh mở đầu là câu chào Hello, How are you và rồi đến lớp 10 - sau 8 năm, mở đầu bài học vẫn là cụm từ này. Đây là cái yếu của ta, cứ dạy đi dạy lại mãi, quanh quẩn trình độ A – B, như vậy thì dậm chân tại chỗ, không tiến lên được”.

Giáo viên ngoại ngữ đã đạt chuẩn?

Ngành Giáo dục cần bắt đầu từ đâu, thay đổi từ đâu với cách dạt và học tiếng Anh như hiện nay? GS. Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: Trước hết, chúng ta phải có quyết đoán về chiến lược học ngoại ngữ ở Việt Nam. Việt Nam mong muốn làm bạn với tất cả các nước, có quan hệ khăng khít với khối các nước nói tiếng Pháp, có quan hệ truyền thống với Nga, chặt chẽ với các nước láng giềng và có nhiều bạn mới. Do đó nói về phát triển ngoại ngữ, chúng ta không chỉ “bó khuôn” trong tiếng Anh.

Theo GS. Nguyễn Minh Thuyết, đã đến lúc chúng ta xác định tiếng Anh là ngoại ngữ số 1. Ở trường phổ thông chỉ nên tập trung dạy tiếng Anh. Có quyết đoán như vậy mới tạo cho đất nước hội nhập sâu được, vì tiếng Anh là tiếng phổ cập ở Đông Nam Á, là tiếng phổ biến trên thế giới. Chúng ta cũng đào tạo các thứ tiếng khác ở bậc đại học đủ số cán bộ đáp ứng yêu cầu.

Bên cạnh đó, phải đặt yêu cầu ở môn ngoại ngữ cao hơn, là đã tốt nghiệp THPT thì phải có tiếng Anh tương đối tốt ở trình độ nhất định. Không được thay thế bằng môn nào hết, mà buộc các em phải có tiếng Anh.

Trong các tiêu chuẩn chọn nhân sự, đề bạt… phải yêu cầu có ngoại ngữ là tiếng Anh. Nếu chúng ta có những quyết sách như thế thì mới chuyển động được. Điều cần thiết là phải rà soát lại phương pháp đào tạo tiếng Anh, bồi dưỡng thầy cô thật tốt.

Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cũng nhìn nhận, kết quả môn thi ngoại ngữ thấp như vậy là điều đáng suy nghĩ. Đây là “thước đo” chất lượng dạy học, trình độ ngoại ngữ của học sinh phổ thông để Bộ có những giải pháp cụ thể và dài hơi hơn, tạo nên chuyển biến mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Ở các trường THPT, việc đổi mới dạy học ngoại ngữ chủ yếu đạt được ở nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên đạt chuẩn trình độ về tiếng nước ngoài và bước đầu áp dụng phương pháp dạy học mới. Chương trình, sách giáo khoa và phương pháp đánh giá trong quá trình dạy học vẫn chưa thay đổi, do vậy chất lượng học tập chưa có sự tiến bộ nhiều.

Tuy nhiên, Tiến sỹ Giáp Văn Dương, chuyên gia giáo dục nhìn nhận, giáo viên giảng dạy tiếng nước ngoài hiện vẫn chưa đạt chuẩn như Bộ GD-ĐT nói, trong khi đây là yếu tố quan trọng nhất để nâng cao hiệu quả dạy và học.

“Tôi có nói chuyện với các giáo viên dạy tiếng Anh và thấy rằng chưa đạt chuẩn. Bởi giáo viên giỏi sẽ tìm ra phương pháp giảng dạy phù hợp với từng lớp, từng em, tự bổ sung vào bài giảng của mình những nội dung bên ngoài sách giáo khoa” – ông Giáp Văn Dương nói./.