Một trong những “chiêu” hút thí sinh đầu vào của nhiều trường ĐH trong mùa tuyển sinh năm 2010 là mở các chương trình đào tạo tiên tiến, hợp tác với nước ngoài. Ưu điểm nổi trội của các chương trình này là trình độ ngoại ngữ của sinh viên được cải thiện rõ rệt ngay trong quá trình học. Tiêu biểu cho số này là ĐHQG Hà Nội với một loạt các chương trình hỗ trợ kinh phí học tiếng Anh cho sinh viên các hệ cử nhân khoa học tài năng ngành Toán, Toán cơ, Vật lý, Hóa học, Sinh học (trường ĐH KHTN). Chương trình đạt trình độ quốc tế các ngành Khoa học máy tính, Công nghệ Điện tử Viễn thông (trường ĐH Công nghệ); Vật lý, Địa chất, Sinh học (trường ĐH KHTN); Ngôn ngữ học (ĐHKHXH&NV); Quản trị Kinh doanh (ĐH Kinh tế). Chương trình đào tạo tiên tiến tại trường ĐH KHTN. Cả 3 chương trình nói trên đều do giáo sư nước ngoài và giảng viên giỏi trong nước giảng dạy bằng tiếng Anh. Sinh viên được học nâng cao trình độ tiếng Anh trong quá trình học trong nước và ở nước ngoài (vào thời gian hè). Những sinh viên có kết quả học tập tốt sẽ được nhận học bổng cao và có cơ hội đi đào tạo ở nước ngoài.
Ngoài 3 chương trình trên, ĐHQG Hà Nội còn có chương trình đào tạo chất lượng cao. Sau khi trúng tuyển nhập học, sinh viên được đăng ký xét tuyển vào hệ chất lượng cao, được hỗ trợ kinh phí đào tạo 7,5 triệu đồng/năm; được ưu tiên hỗ trợ kinh phí học tiếng Anh để đạt trình độ tương đương IELTS 5.0.
Đặc biệt, từ sau năm thứ nhất trở đi, những sinh viên có nguyện vọng được đăng ký học thêm một chương trình đào tạo thứ hai ở các đơn vị đào tạo trong ĐHQG để khi tốt nghiệp được cấp 2 bằng ĐH chính quy. Tương tự, những học sinh thích học các ngành khối kỹ thuật, công nghệ cũng có nhiều lựa chọn với các ngành đào tạo đặc biệt của trường ĐH Bách khoa Hà Nội (kỹ sư tài năng, có 100 chỉ tiêu với 15 sinh viên/lớp; kỹ sư chất lượng cao có 75 chỉ tiêu, 15 sinh viên/lớp; chương trình tiên tiến hợp tác với các trường ĐH Hoa Kỳ, giảng dạy bằng tiếng Anh có 160 chỉ tiêu, với 30 - 50 sinh viên/lớp).
Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội lại khuyến khích tuyển sinh một số chuyên ngành Kinh tế lao động, Quản trị kinh doanh lữ hành và hướng dẫn du lịch, Quản trị quảng cáo, Quản trị kinh doanh bằng tiếng Anh. Điểm tuyển cho các chuyên ngành này sẽ thấp hơn 2 điểm so với điểm sàn vào trường, theo khối thi.
Tuy nhiên, để được hưởng ưu tiên này, thí sinh phải đăng ký thi vào các chuyên ngành này ngay khi nộp hồ sơ đăng ký dự thi. Trường cũng mở 1 lớp Tài chính, 1 lớp Kế toán đào tạo bằng tiếng Anh; lớp Tài chính doanh nghiệp tiếng Pháp (sinh viên được học tăng cường tiếng Pháp 8 - 10 tiếng/tuần, hàng năm có tối đa 5 sinh viên được học chuyển tiếp tại Cộng hòa Pháp theo chương trình hợp tác đào tạo với trường ĐH Tổng hợp Rennes I).
Ở phía Nam, trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) dành cơ hội cho những học sinh xuất sắc trong các môn khoa học xã hội nhân văn được phát triển tài năng với các ngành Văn học, Đông phương học, Ngữ văn Anh và Lịch sử. Năm nay, trường thông báo tuyển 117 sinh viên cho các chuyên ngành trên. Đối tượng là thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 vào trường, không có môn thi nào dưới 5 điểm và môn thi thuộc ngành đào tạo đạt từ 7 điểm trở lên. Ở ĐHQG TP.HCM cũng có nhiều khoa chú trọng và khuyến khích việc sử dụng giáo trình tiếng Anh trong giảng dạy, sử dụng thư viện điện tử với mong muốn có thể nâng cao trình độ ngoại ngữ cho sinh viên.
Kỳ tuyển sinh năm 2010, nhiều cơ sở đào tạo có chương trình hợp tác với các trường ĐH nước ngoài theo mô hình “1+2” hoặc “2+2”: học 1 đến 2 năm trong nước, thời gian còn lại học ở nước ngoài. Với những chương trình này, sinh viên sẽ được nhận bằng tốt nghiệp do các trường đối tác cấp. Sinh viên sẽ được bồi dưỡng kiến thức về ngoại ngữ để có đủ điều kiện học tập bằng tiếng Anh./.