Ngày 1/7, tại Hà Nội, Trung ương Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực – nhân tài Việt Nam tổ chức hội thảo lần thứ nhất “Đào tạo nhân lực – những thuận lợi và trở ngại”.

Hướng dẫn thực hành nghề sửa chữa xe máy tại Trung tâm Dạy nghề Hùng Hiệp (thị trấn Đồi Ngô, Lục Nam)

Hiện cả nước có khoảng 53 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm hơn 63% dân số. Người lao động Việt Nam được đánh giá là cần cù, khéo tay. Đây là một tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp ở nước ta còn cao, năm 2009 là 4,66%, trong đó, tỷ lệ thất nghiệp ở nông thôn là 6,1%. Mặc dù chúng ta có khoảng 1.300 trường cao đẳng, trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề nhưng chất lượng đào tạo chưa đạt chuẩn quốc tế, chương trình giảng dạy không phù hợp, chưa đáp ứng được yêu cầu cho các khu công nghiệp, khu chế xuất và cho xuất khẩu lao động.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận những lợi thế cũng như khó khăn, vướng mắc về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tại các ngành nghề, địa phương; đồng thời, đưa ra những kiến nghị tới các cơ quan quản lý nhà nước để có thể điều chỉnh một số quy định về đào tạo nhân lực trong thời gian tới.

Ông Vũ Ngọc Phương, Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực – nhân tài Việt Nam cho rằng: phát triển nguồn nhân lực không chỉ là đào tạo việc làm mà còn là nền móng để làm triệt để công tác xóa đói giảm nghèo, thực hiện bình đẳng giới, ổn định chính trị- xã hội, góp phần phát triển kinh tế bền vững. Để phát triển nhân lực có trình độ kỹ thuật cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đồng thời cạnh tranh xuất khẩu ra thế giới.

Theo ông Vũ Ngọc Phương: “Chúng ta cần có sự phối hợp giữa các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ, các tổ chức trong nước và các tổ chức quốc tế trong công tác đào tạo. Thứ hai, phải từng bước cải cách, cải tiến, kết hợp công cụ đào tạo ở trong nước gồm các trường từ phổ thông cho đến dạy nghề, đại học, các trường quốc tế ở Việt Nam và việc đưa người Việt Nam ra nước ngoài học tập”./.