Tại buổi làm việc sáng 30/9 của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc thành phố Hà Nội, hàng loạt những bức xúc đã được cử tri Hà Nội nêu lên. Đó là tình trạng lạm thu đầu năm học mới, ùn tắc giao thông đang ngày một nghiêm trọng, việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi thành phố…
Nhiều cử tri Hà Nội bức xúc về các khoản thu tự nguyện nhưng giống như bắt buộc, “đóng góp tự nguyện thì ấm ức, không đóng lại sợ con mình bị trù úm”.
Đầu năm học mới, phụ huynh phải đóng nhiều khoản tiền cho con (ảnh minh họa) |
Ông Bùi Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội kiến nghị Bộ GD-ĐT quan tâm chỉ đạo sâu sát, quyết liệt để chấm dứt tình trạng này.
Về vấn đề ùn tắc giao thông của thành phố mà các cử tri đề cập, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, đến thời điểm hiện nay, toàn thành phố còn 32 “điểm đen” có hiện tượng ùn ứ nhưng việc ách tắc kéo dài quá 30 phút đã giảm hẳn.
Thành phố cũng đang chuẩn bị toàn bộ các dự án để đầu tư giai đoạn 2016-2020. Trong 52 công trình trọng điểm, có 39 dự án giao thông đã được thực hiện khẩn trương. Với việc làm cấp tốc và nhanh như hiện nay, hy vọng đến năm 2020, cơ bản các tuyến giao thông như vành đai 1, 2, 3, 2.5, 3.5 và vành đai 4 sẽ hoàn thành. Thành phố đã tập trung mọi nguồn lực để đủ tiền thi công các dự án này.
Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội cũng nêu các đề xuất về cải tạo xây dựng chung cư cũ; di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, việc thu hồi đất và triển khai dự án hai bên tuyến đường theo quy hoạch được duyệt; tiếp tục duy trì không sáp nhập các sở: Quy hoạch - Kiến trúc; Xây dựng; Giao thông Vận tải để phù hợp với thực tiễn đô thị lớn./.
Ban Giám hiệu các trường phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra lạm thu
Bộ Giáo dục và Đào tạo chấn chỉnh lạm thu đầu năm học mới