Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, sáng 14/11, tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội, Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước tổ chức Lễ công bố quyết định và trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2010. Tới dự có Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước; bà Katherine Muller Marin, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam cùng lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội.
Trong số 914 hồ sơ đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2010, qua 3 cấp xét duyệt, có 71 người đạt tiêu chuẩn giáo sư, 507 người đạt tiêu chuẩn phó giáo sư. Trong đó, số giáo sư, phó giáo sư thuộc các Viện nghiên cứu, các đơn vị ngoài trường đại học tăng lên so với năm ngoái; tỷ lệ nữ giáo sư, phó giáo sư là 19,9%; có 2 tân giáo sư và 4 tân phó giáo sư là người dân tộc thiểu số.
Phó Giáo sư trẻ tuổi nhất mới được công nhận là Từ Diệp Công Thành, 32 tuổi, ngành Cơ học, trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; giáo sư trẻ tuổi nhất là Phạm Quang Trung, 46 tuổi, ngành Kinh tế, trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Phát biểu tại buổi lễ, Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước chúc mừng thành tích của các tân giáo sư, phó giáo sư và nêu rõ: 578 nhà giáo, nhà khoa học được công nhận đạt chức danh giáo sư, phó giáo sư trong tổng số 9000 giáo sư, phó giáo sư được công nhận từ năm 1945 đến nay là niềm vinh dự, tự hào và cũng là trách nhiệm hết sức to lớn. Đó là góp phần đào tạo cán bộ có trình độ đại học, thạc sỹ, tiến sỹ cho cả nước, đặc biệt là tiến sỹ; tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trình độ cao, thực hiện các đề tài phục vụ cho thực tiễn, các chương trình, đề án góp phần hình thành các sản phẩm quốc gia; đồng thời là tấm gương sáng cho sinh viên, gia đình, xã hội về đạo đức, tinh thần tự học và sáng tạo.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, các giáo sư, phó giáo sư, nhà khoa học cần đem hết sức mình góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục và khoa học công nghệ nước nhà, để giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ là 1 trong những nền tảng quan trọng nhất để Việt Nam phát triển mạnh, bền vững trong 30 năm tới./.