Người dân đã không còn quá ngạc nhiên trước tình trạng học sinh đánh nhau hội đồng rồi quay video clip và đưa lên mạng xã hội nữa. Điều mà cả xã hội đang quan tâm là tình trạng bạo lực học đường có thể nói là đang đến mức vượt tầm kiểm soát khi mới đây, một nam sinh ở tỉnh Hà Nam đã vô tình phi dao vào một bạn gái cùng lớp vì bị bạn cùng lớp trêu chọc, thường xuyên lấy súng hơi bắn vào người.

phi_dao_fhll.jpg
Học sinh ở tỉnh Hà Nam bị phi dao trúng đầu đang được điều trị tại bệnh viện (ảnh: Infonet)

Chưa hết, bạo lực học đường đã khiến cho có học sinh suy thoái về đạo đức, quên đi sự tôn trọng thầy cô giáo. Đó là trường hợp một học sinh nam ở tỉnh Bến Tre đã hung hăng vừa phát ngôn thô tục vừa dùng tay bóp cổ cô giáo khi giáo viên nhắc nhở một nữ sinh khác.

Nhiều chuyên gia tâm lý và giáo dục nhận định, học sinh ngày nay nghịch ngợm và khó bảo hơn trước rất nhiều. Với sự nuông chiều từ phía gia đình, nếu trong tình huống giáo viên không biết cách xử lý thì có thể dẫn đến sự việc đáng tiếc. Trường hợp cô giáo ở tỉnh Long An phải quỳ gối trước phụ huynh trong 40 phút đã cho thấy, nhà trường, giáo viên đang rơi vào tình trạng bất lực trong việc giáo dục, rèn luyện nhân cách, lối sống, đạo đức cho học sinh.

Cả 3 vụ việc trên một lần nữa gióng lên hồi chuông về việc cần chấn chỉnh lại sự phối hợp giữa gia đình-nhà trường và xã hội trong việc giáo dục, rèn luyện toàn diện về mọi mặt cho các em.

Phụ huynh đang nuông chiều con quá mức

Theo ông Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, ngày nay, nhiều gia đình quá nuông chiều con cái. Họ cho rằng, cứ đáp ứng nhu cầu học hành, vui chơi, ăn mặc của con và yên tâm để con ở trường là con sẽ ngoan.

Thế nhưng, thực tế điều này có thể khiến trẻ không biết trân trọng những thứ mình đang có là do công lao làm việc vất vả của bố mẹ; thậm chí khiến trẻ trở nên ích kỷ, chỉ biết hưởng thụ mà không cần phải học tập, lao động.

Trường THCS Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre - nơi xảy ra vụ học sinh bóp cổ giáo viên (ảnh: Nhật Trường)

Mặt khác, có nhiều phụ huynh vì mải lao vào công việc, đi làm xa, không dành nhiều thời gian chăm sóc, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của con cũng khiến các em thiếu sự định hướng phát triển toàn diện hoặc thậm chí rơi vào trầm cảm, bị bạn bè xấu lôi kéo vào những tệ nạn xã hội...

Ngoài giờ học ở trên lớp, các em còn về nhà và được nghỉ những ngày cuối tuần, nghỉ hè nên thời gian để các em tiếp xúc với môi trường gia đình, xã hội tương đối nhiều.

Nếu các phụ huynh chỉ nghĩ rằng, việc cho con đến lớp và phó mặc việc giáo dục, rèn luyện đạo đức, lối sống cho nhà trường, thầy cô giáo là đã yên tâm thì hoàn toàn sai lầm. Đặc biệt là hiện nay, chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ thông tin, các hình ảnh, trò chơi bạo lực xuất hiện trên mạng mạng xã hội rất nhiều nên dễ dàng thâm nhập, làm thay đổi nhận thức, hành vi của giới trẻ.

Theo ông Tùng Lâm, qua 3 vụ việc: học sinh phi dao vào bạn, bóp cổ cô giáo và phụ huynh bắt giáo viên phải quỳ tới tận 40 phút diễn ra chỉ trong một thời gian ngắn gần đây đã cho thấy, giáo dục lối sống, đạo đức cho học sinh đang rơi vào sự bế tắc.

Thay vì phụ huynh quá nuông chiều và phục tùng những gì con đòi hỏi thì hãy lắng nghe và phối hợp với nhà trường, thầy cô giáo chú ý từng hành động, rèn luyện nhân cách, lối sống cho trẻ.

Cần lồng ghép giảng kiến thức đạo đức và hoạt động trải nghiệm

Đứng ở góc độ là một giáo viên, bà Lê Thị Mai Hương, Phó Hiệu trưởng trường THCS Thực nghiệm, quận Ba Đình, Hà Nội cho rằng, thực tế hiện nay, việc giáo dục đạo đức, kỹ năng sống trong học sinh chưa thực hiện một cách hiệu quả.

 Bà Lê Thị Mai Hương, Phó Hiệu trưởng trường THCS Thực nghiệm, quận Ba Đình, Hà Nội 

Ở cấp Tiểu học, THPT, môn Đạo đức-Giáo dục công dân, học sinh chỉ được học 1 tiết/tuần. Chương trình môn học này không chỉ giảng về vấn đề đạo đức mà còn đề cập đến kiến thức pháp luật.

Nếu thời lượng giảng dạy môn học này chỉ là truyền tải kiến thức có thể là đủ. Tuy nhiên, để biến những kiến thức vào áp dụng, ứng xử trong thực tiễn cuộc sống thì nhà trường rất cần việc lồng ghép, tích hợp giảng dạy môn Đạo đức- Giáo dục công dân với các môn học khác và hoạt động trải nghiệm, giáo dục kỹ năng sống, phẩm chất đạo đức. Thông qua việc lồng ghép này, học sinh sẽ có thêm kiến thức, kỹ năng để ứng xử trong các tình huống xảy ra trong cuộc sống.

Để giáo dục đạo đức, nhân cách cho học trò và xây dựng môi trường học đường thực sự lành mạnh, giáo viên cũng cần trang bị kỹ năng ứng xử khéo léo để không lặp lại tình huống như cô giáo ở Long An phải quỳ trước phụ huynh trong thời gian dài.

Ngoài ra, phụ huynh cũng phải gương mẫu rèn luyện đạo đức, lối sống và cùng với nhà trường trong việc giáo dục phẩm chất, nhân cách cho học trò. Nếu có thể, phụ huynh có thể tham gia những khóa học ngắn hạn trong việc giáo dục, rèn luyện toàn diện nhân cách cho con./.