Trong số 64 thầy cô giáo được tuyên dương có nhiều sáng kiến trong giảng dạy vừa được Bộ GD-ĐT khen thưởng, không thể không nhắc đến cô giáo Nông Thị Loan, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Bảo Lạc (tỉnh Cao Bằng)- người có nhiều giải pháp trong công tác chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục. Đặc biệt, cô đã có nhiều sáng kiến nâng cao hiệu quả mô hình trường bán trú và quy hoạch mạng lưới trường lớp cấp tiểu học tại huyện Bảo Lạc đạt hiệu quả tốt.
Cô Loan cho biết, Bảo Lạc là một trong số 62 huyện nghèo nhất cả nước với tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 60%, giao thông đi lại khó khăn, phần lớn phụ huynh ít quan tâm đến việc học hành của con cái.
Cô giáo Nông Thị Loan (thứ 2 từ trái sang) tại lễ tuyên dương gương người tốt, việc tốt, đổi mới sáng tạo trong dạy và học năm học 2016-2017 diễn ra sáng 18/10 |
Với đặc điểm dân cư không tập trung dẫn đến quy mô mạng lưới trường lớp phân tán nhỏ lẻ, đặc biệt là ở cấp Tiểu học. Ở địa phương thường có nhiều lớp ghép, từ 2 đến 3 trình độ. Mỗi lớp chỉ có từ 5 đến 9 học sinh nên đã gây ra sự lãng phí trong việc sử dụng biên chế giáo viên.
Mặt khác, chất lượng giảng dạy lớp ghép thường thấp hơn so với dạy lớp đơn. Hàng năm, kinh phí chi trả cho việc giảng dạy lớp ghép khá lớn, lên tới vài tỷ đồng. Ở các điểm trường lẻ, số giáo viên và học sinh rất ít nên việc tổ chức các hoạt động giáo dục và phong trào thi đua còn hạn chế.
Đối với cấp THCS, đa số học sinh đi học rất xa, không thể trở về nhà trong ngày nên các em hay nghỉ học, một số em phải bỏ học giữa chừng.
Trước thực trạng trên, cô giáo Nông Thị Loan rất trăn trở và quyết tâm tìm ra giải pháp để tiến hành quy hoạch mạng lưới trường lớp cấp tiểu học nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả số lượng biên chế giáo viên. Đồng thời giảm số lớp ghép; tăng cường nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú, THCS, điểm trường bán trú cấp Tiểu học và tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh khi đến trường.
Năm 2012, cô giáo Nông Thị Loan bắt tay vào việc giúp ngành Giáo dục tỉnh Cao Bằng rà soát học sinh ở điểm lẻ, họp phụ huynh để lấy ý kiến về việc dồn ghép học sinh Tiểu học nhằm tổ chức lớp bán trú và chỉ đạo dạy học 2 buổi/ngày. Ngoài ra, cô còn tư vấn với địa phương bố trí hợp lý giáo viên cũng như huy động xã hội hóa giáo dục để xây dựng cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy học được tốt hơn.
Hàng nghìn học sinh được học tập trong môi trường khang trang hơn
Sau 5 năm triển khai giải pháp quy hoạch lại mạng lưới trường lớp, cô Loan đã góp phần giúp ngành GD-ĐT tỉnh Cao Bằng chuyển đổi 100% trường THCS ở vùng đặc biệt khó khăn thành trường Phổ thông Dân tộc bán trú, giảm 50 điểm trường lẻ, 72 lớp ghép ở cấp Tiểu học.
Trong quá trình chuyển đổi có dư thừa lớp ghép ở cấp Tiểu học được chuyển đổi làm lớp học mầm non, nhà công vụ cho giáo viên, nhà văn hóa xóm...
Ngoài ra, cô Loan còn bố trí giáo viên trong biên chế ở cấp Tiểu học dôi dư sang giảng dạy ở cấp học Mầm non, THCS. Ước tính sau 5 năm quy hoạch lại mạng lưới trường lớp, cô Loan đã cùng ngành giáo dục huyện Bảo Lạc tiết kiệm kinh phí cho Nhà nước khoảng 50 tỷ đồng.
Khi chưa có mô hình trường học bán trú, học sinh đều phải dựng các túp lều xung quanh trường để ở, hàng ngày phải mang thức ăn đến trường và nếu không mang thức ăn thì phải ăn cơm chấm muối. Đến khi xây dựng mô hình trường học bán trú, mỗi ngày học sinh được ăn 3 bữa với đầy đủ chất dinh dưỡng, được học tập, sinh hoạt ngay tại trường với cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp hơn.
Từ khi quy hoạch lại mạng lưới trường lớp ghép, cô giáo Nông Thị Loan đã góp phần đưa hàng nghìn học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn đến trường. Cho đến nay, có gần 6.000 học sinh cấp Tiểu học và THCS đã được học tập tại trường học bán trú với điều kiện chăm sóc, giảng dạy tốt.
Không chỉ mong quy hoạch lại mạng lưới trường lớp có hệ thống ở những vùng khó khăn ở tỉnh Cao Bằng, cô Nông Thị Loan còn luôn trăn trở để làm sao nâng cao chất lượng giảng dạy giáo dục ở địa phương.
Về dự định sắp tới, cô Loan chia sẻ sẽ cố gắng cùng với ngành Giáo dục tỉnh Cao Bằng xây dựng đội ngũ giáo viên có chuyên môn giỏi, tận tâm với học trò và tiếp cận với công nghệ hiện đại vào trong giảng dạy./.
Hình ảnh: Xúc động về các thầy cô giáo lấm lem bùn đất khi đến trường
Cô giáo gieo chữ ở Trường Sa