Bộ GD-ĐT đang xây dựng, lấy ý kiến đóng góp về Dự thảo tóm tắt đề án thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy từ năm 2017. Đáng chú ý nhất trong dự thảo là sự điều chỉnh phương án thi theo 5 bài gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (tổ hợp của các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân).
Các bài Toán, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có một mã đề thi riêng; thí sinh làm bài thi trên phiếu trả lời trắc nghiệm. Phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh được chấm bằng phần mềm máy tính. Bài thi Ngữ văn, thi theo hình thức tự luận. Mỗi thí sinh trong phòng sẽ có mã đề thi khác nhau để đảm bảo tính nghiêm túc, khách quan.
Việc thi theo hình thức mới với nhiều môn học, trong đó có Toán và Lịch sử được ra theo hình thức thi trắc nghiệm khi chỉ có gần 10 tháng nữa diễn ra kỳ thi THPT Quốc gia đã khiến dư luận bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên VOV.VN phỏng vấn Giáo sư, Tiến sĩ khoa học (GS.TSKH) Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT).
GS.TSKH Lâm Quang Thiệp |
PV:Hiện có nhiều ý kiến phản đối không nên cho môn Toán và Lịch sử thi theo hình thức trắc nghiệm trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017. Quan điểm của GS về vấn đề này như thế nào?
GS.TSKH Lâm Quang Thiệp: Nếu mục tiêu của kỳ thi là chỉ chọn lựa nhân tài hay chọn lọc thí sinh giỏi Toán, Lịch sử thì tôi đồng ý với phương án không thi trắc nghiệm. Còn kỳ thi THPT Quốc gia với mục đích đánh giá kiến thức chung, nền tảng và phân loại thí sinh một cách nhẹ nhàng thì đều có thể để các môn học thi theo hình thức trắc nghiệm.
Căn cứ để ra đề thi Toán theo hình thức trắc nghiệm
PV:Mới đây, Hội Toán học Việt Nam đã bày tỏ ý kiến phản đối đề thi môn Toán ra theo hình thức trắc nghiệm. GS có thể cho biết căn cứ nào để Bộ GD-ĐT hoàn hoàn có thể ra đề thi trắc nghiệm môn Toán?
GS.TSKH Lâm Quang Thiệp: Trước khi có kỳ thi THPT Quốc gia, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam đã đề xuất với Bộ GD-ĐT phương án thi trắc nghiệm tất cả các môn học. Tuy nhiên, đến năm 2016, Bộ mới cho thi trắc nghiệm mới ở 4 môn là: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý. Tuy nhiên, nếu chỉ thi trắc nghiệm ở 4 môn học này thì sẽ có những mặt hạn chế khi kiểm tra kiến thức toàn diện của thí sinh.
Ở các nước có nền giáo dục phát triển như Mỹ, môn Toán trong kỳ thi SAT đều ra theo hình thức trắc nghiệm và đã được đánh giá tốt. Vì vậy, chúng ta có thể thi theo hình thức này ở tất cả các môn học.
Kỳ thi THPT Quốc gia không phải là kỳ thi chọn lựa nhân tài nên việc ra đề thi Toán theo hình thức trắc nghiệm là hoàn toàn có thể thực hiện được.
Trong các kỳ thi lớn như thi THPT Quốc gia, việc ra đề theo hình thức trắc nghiệm sẽ chiếm vị thế áp đảo. Thi bằng hình thức trắc nghiệm thì chất lượng phụ thuộc phần lớn vào đề thi. Còn thi bằng hình thức tự luận thì chất lượng phụ thuộc phần lớn vào năng lực của người chấm.
Cách đây 2 năm, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam đã đề xuất lên Bộ GD-ĐT phương án môn Ngữ văn nên thi theo hình thức trắc nghiệm. Ngoài ra, Hiệp hội cũng đề xuất môn Toán thi theo hình thức này. Tuy nhiên, trong đề thi cũng nên chỉ có 1 câu hỏi theo hình thức tự luận để đánh giá khả năng lập luận, giải quyết vấn đề của thí sinh. Bởi vì nếu chỉ có 1 câu tự luận thì thí sinh chỉ viết khoảng 0,5 đến 1 trang nên giáo viên chấm thi sẽ chấm nhanh hơn.
Nếu việc chấm thi bằng hình thức tự luận mà trong vòng 15 ngày thì các trường ĐH, CĐ khó huy động được tất cả giáo viên, giảng viên chuyên gia giáo dục có trình độ cao và năng lực tốt chấm hàng triệu bài thi. Tuy nhiên, có những bài thi, giáo viên có thể chấm vênh nhau vì tùy thuộc vào tâm trạng, năng lực của người chấm. Do đó, có thể nói việc chấm thi theo hình thức tự luận chưa đảm bảo chất lượng.
Còn việc chấm thi theo hình thức trắc nghiệm là hoàn toàn bằng máy, có độ chính xác và khách quan cao.
Việc ra đề thi trắc nghiệm môn Toán nói riêng và các môn học khác có thể thực hiện bằng cách huy động nhiều người cùng đóng góp trí tuệ, kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm. Thời gian thực hiện việc ra đề cũng có thể trong 1 đến 2 năm để tạo được ngân hàng đề thi hay và chất lượng.
Vấn đề quan trọng nhất của việc ra đề thi là Bộ GD-ĐT có thể huy động được tối đa các chuyên gia, thầy cô giáo có năng lực, trình độ cao vào làm đề theo hình thức trắc nghiệm hay không.
Thí sinh hoàn toàn có thể chuẩn bị kịp cho kỳ thi THPT Quốc gia 2017
PV:Như GS đã đề cập, kỳ thi THPT Quốc gia chỉ với mục đích đánh giá kiến thức chung, nền tảng và phân loại thí sinh một cách nhẹ nhàng. Tuy nhiên, nhiều trường ĐH, CĐ đều sử dụng kết quả của kỳ thi này để chọn lựa thí sinh vào trường. Vậy việc ra đề thi theo hình thức trắc nghiệm sẽ mâu thuẫn với việc chọn lọc thí sinh vào các trường ĐH, CĐ, thưa ông?
GS.TSKH Lâm Quang Thiệp: Nhiều trường ĐH, CĐ đều có thể lấy kết quả kỳ thi THPT Quốc gia để lựa chọn thí sinh vào trường. Ngoài ra, trong phương án tuyển sinh ĐH, CĐ, Bộ GD-ĐT cũng ghi rõ, các trường có thể lấy kết quả kỳ thi THPT Quốc gia để thực hiện công tác tuyển sinh. Mặt khác, Luật Giáo dục ĐH cũng cho phép các trường được quyền tự chủ trong tuyển sinh. Do vậy, ngoài lấy kết quả kỳ thi THPT Quốc gia như hình thức sơ tuyển, các trường ĐH, CĐ có thể tổ chức thêm hình thức thi khác như: phỏng vấn, kiểm tra chỉ số IQ, tự luận của thí sinh…
PV:Nhiều thí sinh và giáo viên tỏ ra băn khoăn, lo lắng vì có thể không kịp chuẩn bị cho việc học tập, giảng dạy theo hình thức thi mới khi chỉ còn gần 10 tháng nữa là diễn ra kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017. Ý kiến của GS về lộ trình áp dụng hình thức thi mới của Bộ GD-ĐT như thế nào?
GS.TSKH Lâm Quang Thiệp: Bộ GD-ĐT đã đưa phương án thi THPT Quốc gia từ đầu năm học mới 2016-2017 và nói rõ là đề thi các môn đều nằm trong chương trình lớp 12 bậc THPT. Do vậy, học sinh mới bước vào lớp 12 đều hoàn toàn có thể chuẩn bị được cho việc ôn tập.
Tuy nhiên, có những học sinh bỏ không học các môn mà năm nay cho vào chương trình thi thì sẽ gặp khó khăn trong ôn tập. Để khắc phục tình trạng này, ngay từ đầu năm học này, các em phải tập trung học tất cả các môn để có thể thi tốt cho kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới.
PV:Nếu thi theo dự thảo phương án thi THPT Quốc gia năm 2017, Bộ GD-ĐT cần ưu tiên thực hiện ngay những công việc nào, theo GS?
GS.TSKH Lâm Quang Thiệp: Tôi nghĩ là Bộ GD-ĐT nên nhanh chóng đề ra phương án chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017. Trong phương án nên có sự kêu gọi nhiều chuyên gia, giáo viên phổ thông, giảng viên các trường ĐH, CĐ có hiểu biết, kinh nghiệm về thi cử và các môn học để có thể hợp tác cho việc chuẩn bị một ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm đảm bảo chất lượng và hay.
Bởi vì không chỉ chuẩn bị cho ra đời một ngân hàng câu hỏi mà chúng ta còn cần có thời gian để thử nghiệm các câu hỏi để thí sinh làm thử trước khi diễn ra kỳ thi THPT Quốc gia.
PV: Xin cảm ơn GS!/.
Các chuyên gia lên tiếng về ý kiến phản đối quanh đề thi trắc nghiệm