Mấy năm trước, vụ Vedan xả thải ra môi trường đã làm rúng động dư luận. Nhiều người bày tỏ bức xúc, tẩy chay sản phẩm của Vedan. Bấy giờ, nhiều người tặc lưỡi bảo rằng, Vedan là của công ty nước ngoài nên họ tìm mọi cách để kiếm lợi nhuận, kể cả việc trà đạp lên sức khỏe của người dân địa phương là chuyện dễ hiểu.

Ấy vậy mà một câu chuyện xảy ra trên mảnh đất Thanh Hóa còn dã man hơn Vedan, do chính bàn tay của những doanh nhân nước nhà gây ra – chôn thuốc sâu. Hành động của lãnh đạo, nhân viên công ty Nicotex Thanh Thái (Thanh Hóa) đã thực sự gây bức xúc trong dư luận, đặc biệt là các nhà khoa học và người dân. Được biết, gần 1.000 người dân đã đồng lòng ký đơn khởi kiện Công ty Thanh Thái.

Trong trả lời báo chí, TS Nguyễn Văn Khải, nguyên Giám đốc Trung tâm tư vấn tiết kiệm điện và dung dịch hoạt hóa điện hóa đã thốt lên rằng: "Những người có học cả, sao đang tâm làm thế?".

Đúng, họ toàn là những người có học. Công việc của họ là sản xuất ra các loại thuốc để diệt sâu bọ. Có ý nghĩa lắm chứ khi mà bà con nông dân luôn kêu ca tình trạng sâu, rày… phá hoại hoa màu mà lại có những nhà khoa học, những doanh nhân dám dấn thân vào lĩnh vực nhiều độc hại này để giúp bà con diệt trừ sâu bọ thì còn gì quý bằng. Thế nhưng, hiệu quả diệt sâu bọ ở đâu chẳng biết mà thứ nhìn thấy trước tiên là họ đã hủy hoại mạng sống của hàng chục nghìn con người. Lãnh đạo công ty thừa biết rằng đây là các chất hóa học gây độc hại, trong đó có một số chất dùng làm thuốc trừ sâu, nhưng họ vẫn đang tâm chôn xuống đất. Và hậu quả là đã có những làng ung thư xuất hiện quanh khu vực công ty Thanh Thái tọa lạc.

Người ta rùng mình khi nghĩ đến những hành động của một số y, bác sĩ thời gian qua. Họ được đào tạo bài bản, khoa học và rồi cuối cùng vì đồng tiền mà coi thường tính mạng, sức khỏe của bệnh nhân. Cũng giống như những thày thuốc đánh mất y đức, những người làm kinh doanh đánh mất đạo đức kinh doanh của mình cũng thật nguy hiểm. Dã man hơn hậu quả hủy diệt môi trường do những con người ở công ty này gây ra không biết bao giờ mới được khắc phục. Và còn bao nhiêu con người đã ăn uống, sinh hoạt với nguồn nước nhiễm độc này đang ủ trong mình những căn bệnh quái ác. Họ là những người dân nghèo, sống bám trên đất, đến giờ mảnh đất của họ nhiễm độc rồi thì biết bám vào đâu và nếu chẳng may phát bệnh thì chắc chỉ còn biết kêu trời!

Mổ xẻ những sai phạm của công ty Thanh Thái có thể thấy rõ những lỗ hổng trong buông lỏng quản lý ở địa phương. Người dân ở khu vực này đã không dưới 1 lần lên tiếng về tình trạng ô nhiễm môi trường do công ty gây ra. Nhưng không hiểu tại sao, 15 năm qua công ty vẫn bình thản hoạt động, thu lời trên tính mạng, sức khỏe của chính đồng bào mình.

Giả sử, Công ty Thanh Thái bị phạt vì chưa có dây chuyền xử lý nước thải, thì lẽ ra cơ quan chức năng phải cho ngừng hoạt động để khắc phục. Nhưng thực tế thì sao? Cơ quan chức năng xử phạt xong thì công ty lại hoạt động bình thường, và chất thải lại vẫn đổ ra môi trường bên ngoài, và người dân là người gánh chịu.

Dư luận đang đặt ra câu hỏi, tại sao những việc làm trái pháp luật của Công ty Thanh Thái đã được người dân liên tục làm đơn phản ánh tới cơ quan chức năng nhưng lại không xử lý?

Trong nền kinh tế thị trường kiếm tiền với nhiều người rất dễ. Nhưng giữ được đạo đức nghề nghiệp mới khó làm sao. Bao nhiêu vụ việc xảy ra ở những con người kiếm bộn tiền đều liên quan đến đạo đức nghề nghiệp. Ranh giới giữa cái thiện và ác rất mong manh. Nếu mấy chục con người ở công ty Thanh Thái không vì ham tiền thì đã không bằng mọi cách làm trái pháp luật để kiếm lời bất chính, tổn hại đến cộng đồng dân cư.

Và nếu những người ăn lương nhà nước làm việc mẫn cán, có trách nhiệm hơn thì đâu có chuyện một hành động phi pháp có cơ hội diễn ra hơn chục năm qua?/.