Luân chuyển tạm thời để bồi dưỡng giáo viên

Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học Pa Vệ Sủ thuộc xã biên giới Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè, Lai Châu có 13 điểm trường nằm rải rác tại các bản, học sinh hầu hết đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều em khả năng nói tiếng Kinh còn hạn chế nên gặp không ít rào cản trong học tập. Cũng bởi vậy nên khi chuyển sang Chương trình GDPT mới, bản thân mỗi thầy cô giáo tại đây đều ý thức việc phải tự trau dồi và hỗ trợ lẫn nhau để nâng cao năng lực chuyên môn, giúp các em tiếp cận dễ dàng hơn với chương trình mới.

Thầy Vũ Văn Viện, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học Pa Vệ Sủ cho biết, nhà trường đã tổ chức cho giáo viên tham gia Chương trình ETEP bồi dưỡng giáo viên của Bộ GD-ĐT. Theo chương trình này, giáo viên đại trà sẽ tập huấn trực tuyến trên hệ thống LMS, nhưng do 13 điểm của Trường đều nằm ở khu vực đặc biệt khó khăn, giáp biên giới, nhiều điểm trường không có điện, thiếu internet. Trước thực tế này, nhà trường đã phải linh động chuyển từ bồi dưỡng trực tuyến sang bồi dưỡng tập trung cho giáo viên đại trà vào những ngày cuối tuần. Một số giáo viên nhà gần thị trấn, thuận tiện hơn sẽ tự học trực tuyến, vướng mắc đến đâu sẽ được giáo viên cốt cán giải đáp đến đó.

Thời điểm trong năm học, khi giáo viên vừa bồi dưỡng, vừa giảng dạy, tại một số điểm trường đặc biệt khó khăn, nhà trường đã tiến hành luân chuyển giáo viên tạm thời, điều động các thầy cô có kinh nghiệm ở điểm trường trung tâm lên các bản dạy thay, giáo viên trên bản được rút về trung tâm có internet, có máy tính để nghiên cứu, tập huấn chuẩn bị cho chương trình mới.

Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Pa Vệ Sủ cho biết, trước thềm năm học mới, đến nay 100% giáo viên nhà trường đã bắt kịp tiến bộ bồi dưỡng theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, sẵn sàng cho năm học mới, đặc biệt là Chương trình GDPT mới với lớp 1 và lớp 2.

Chia cụm bồi dưỡng giáo viên theo đặc điểm của học sinh

Còn tại huyện miền núi Quế Phong của tỉnh Nghệ An, bà Trần Thị Hương, Phó Trưởng Phòng GD-ĐT huyện cho biết, huyện đã tổ chức cho giáo viên tham gia bồi dưỡng kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến theo Chương trình của Bộ GD-ĐT, nhưng huyện Quế Phong cũng có những điểm trường không điện, không internet như Cắm Muộn 2, Huổi Máy… nên việc tập huấn trực tuyến gặp rất nhiều khó khăn. Từ thực tế đó, Phòng GD-ĐT đã phải linh hoạt trong phương thức tập huấn, triển khai tổ chức 3 ngày tập huấn tại huyện, sau đó phân công đội ngũ giáo viên cốt cán của Phòng GD-ĐT hỗ trợ giáo viên các trường, việc bồi dưỡng chủ yếu tập trung nhiều vào thực hành và trao đổi trực tiếp.

Ngoài hình thức tập huấn trực tiếp, các trường còn thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề để tìm ra những khó khăn, vướng mắc mà giáo viên đang gặp phải.

“Chúng tôi chia chuyện ra làm 3 cụm, mỗi cụm trình độ học sinh tương đồng nhau. Những vướng mắc của giáo viên từng cụm trong quá trình tổ chức thực hiện sẽ được gửi về cụm và Phòng GD-ĐT, Phòng tiếp tục tổ chức các buổi hội thảo chuyên môn ở các cụm để giải đáp thắc mắc cho giáo viên. Phần lớn những vướng mắc tập trung ở môn Hoạt động trải nghiệm, Toán, tiếng Việt”, bà Hương nói.

Phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Quế Phong cho biết, việc chia cụm để tập huấn xuất phát từ đặc điểm tâm sinh lý, trình độ nhận thức của học sinh có sự chênh lệch vùng miền, có những vùng như Tri Lễ, đồng bào dân tộc Mông, Khơ Mú, Thái, Tày, Thổ là chủ yếu… Nếu dạy cùng phương pháp, nội dung như học sinh ở khu vực thị trấn hay các vùng trung tâm, học sinh sẽ rất khó tiếp nhận kiến thức. Do đó, trong quá trình tập huấn, huyện Quế Phong đã sử dụng linh hoạt các tài liệu từ chương trình bồi dưỡng của Bộ GD-ĐT để áp dụng vào thực tế công tác dạy học tại địa phương.

“Mô hình bồi dưỡng giáo viên để triển khai Chương trình GDPT mới theo mô hình giáo viên cốt cán hỗ trợ giáo viên đại trà tự học có tính tích cực là phát huy được tính năng động, tự chủ của mỗi giáo viên trong việc tự học, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong thời kỳ đổi mới giáo dục. Mỗi giáo viên có năng lực chuyên môn và những giáo viên trẻ sẽ có nhiều thuận lợi hơn. Với những điểm trường có mạng internet thì phương pháp này có nhiều ưu việt. Tuy nhiên, Quế Phong cũng có một số điểm trường không có điện, không internet, một số giáo viên trình độ xuất phát điểm thấp, giáo viên lớn tuổi sắp nghỉ hưu gặp nhiều khó khăn trong tự học.

Toàn huyện có hơn 500 giáo viên, thì hơn 300 giáo viên dân tộc thiểu số, do vậy ngoài hỗ trợ tự bồi dưỡng trực tuyến với giáo viên đại trà, chúng tôi vẫn đang nỗ lực tổ chức bồi dưỡng trực tiếp theo kiểu cầm tay chỉ việc cho giáo viên”, bà Hương cho biết.

Cô Hoàng Thị Trâm trường THCS Châu Thôn, huyện Quế Phong, Nghệ An cho biết, ngoài học trực tuyến, trường cô cũng thường tổ chức sinh hoạt chuyên môn. Với những môn mỗi trường chỉ có 1 giáo viên sẽ gộp để bồi dưỡng theo cụm, các môn có nhiều giáo viên cùng đảm nhiệm sẽ thực hiện sinh hoạt chuyên môn tại trường, đồng nghiệp thường xuyên dự giờ, học hỏi, trao đổi cùng góp ý để có cách giảng phù hợp hơn với Chương trình GDPT mới.

Qua quá trình tập huấn, cô Trâm cho biết, bản thân học được nhiều cách truyền đạt kiến thức hay, phù hợp với đối tượng học sinh của mình.

“Với những vùng thuận lợi, khi giảng giáo viên có thể mở rộng kiến thức, khai thác sâu hơn, truyền đạt những thứ khó hơn, nhưng với những địa bàn khó khăn, nếu dạy như vậy học sinh sẽ rất chán, không thể tiếp thu, phải tập trung nhiều vào những kiến thức đơn giản, để các em hiểu thì mới có hứng thú học. Bên cạnh đó, nhiều thầy cô cũng chia sẻ rất nhiều cách làm hay để nâng cao năng lực tự học, tự chủ, khả năng giao tiếp và giải quyết vấn đề ở học sinh”, cô Trâm nói./.