Nghiên cứu khoa học là một trong những nhân tố quyết định đến chất lượng đào tạo tiến sĩ. Ngược lại, hoạt động đào tạo nói chung và đào tạo tiến sĩ nói riêng đặt ra những vấn đề mà hoạt động nghiên cứu khoa học phải đáp ứng. Gắn kết nghiên cứu khoa học với đào tạo tiến sĩ là một nhiệm vụ quan trọng đối với các nhà quản lý, khoa học, cơ sở đào tạo. Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc gắn kết này vẫn chưa chặt chẽ, ảnh hưởng không tốt đến chất lượng nghiên cứu khoa học và chất lượng đào tạo tiến sĩ. Xung quanh vấn đề này, phóng viên VOVNews có cuộc phỏng vấn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Tung, Phó trưởng ban Ban khoa học Công nghệ-ĐH Quốc gia Hà Nội.
Không thể đánh đồng giữa tiến sĩ thật và tiến sĩ “giấy”
PV: Là một trong những người có nhiều công trình nghiên cứu khoa học cho nước nhà, theo ông, cản trở lớn nhất trong việc gắn kết nghiên cứu khoa học và đào tạo tiến sĩ ở các cơ sở đào tạo sau đại học hiện nay là gì?
PGS, TS Phạm Hồng Tung |
PGS, TS Phạm Hồng Tung:Theo tôi, cản trở lớn nhất chính là động cơ của người học. Vấn đề này có nguồn gốc sâu xa từ chuyện khoa cử thời xưa. Trong các cuộc thi cử xưa kia, nhiều người muốn thi đỗ để được làm quan và đến nay quan điểm này vẫn dư tồn và ảnh hưởng trực tiếp tới thế hệ trẻ. Nhiều người theo học đại học và sau đại học luôn coi trọng tấm bằng tiến sĩ, danh vị tiến sĩ là chính chứ họ chưa thực tâm mong muốn để trở thành nhà nghiên cứu khoa học có trình độ tiến sĩ.
Trước đây, trong thời kỳ đất nước có chiến tranh, điều kiện để học tập hết sức khó khăn nhưng nhiều nghiên cứu sinh học tập thực sự có động cơ đúng đắn. Họ mong muốn khám phá thế giới, đóng góp trí tuệ, sức lực cho nghiên cứu khoa học để trở thành những nhà khoa học có tài năng. Còn hiện nay, khó khăn đối với nghiên cứu sinh cũng không phải là ít, nhưng chúng ta thấy, động cơ đúng đắn của người nghiên cứu khoa học đã giảm sút. Nhiều người đi học chủ yếu để lấy bằng cấp phục vụ cho thăng tiến trong công việc.
Rào cản thứ hai đối với việc này là tình trạng xã hội chưa thực sự trọng dụng tiến sĩ thật. Nhiều người đã đánh đồng những người có bằng tiến sĩ đều như nhau mà chưa đánh giá đúng khả năng thực sự của họ. Cho nên mới có hiện tượng “cò gỗ mổ chết cò thật”, tiến sĩ thật và tiến sĩ “giấy” được xếp chung một bậc lương. Thậm chí những tiến sĩ không có năng lực nghiên cứu khoa học, không có khả năng ngoại ngữ lại giữ những vị trí cao hơn những người có năng lực thực sự.
Ngoài ra, cơ chế chính sách hạn hẹp cũng là một rào cản cho những người nghiên cứu khoa học. Những người nghiên cứu khoa học mong muốn có một cơ chế tài chính cho các đề tài nghiên cứu như là “khoán Mười trong nông nghiệp” nhưng vẫn chưa được.
Chúng tôi thường nói với nhau: Nghiên cứu khoa học là rất khó nhưng không khó bằng giải ngân, thanh quyết toán cho đề tài mà các nghiên cứu sinh đã tâm huyết làm ra. Vì vậy, các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu khoa học rất mong muốn Nhà nước, các tổ chức trong và ngoài nước chia sẻ nguồn lực tài chính để hỗ trợ cho những người nghiên cứu khoa học với đào tạo sau đại học.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện nay cả nước có 137 cơ sở đào tạo tiến sĩ (70 viện nghiên cứu, 17 học viện, 50 trường đại học). Tuy nhiên, Việt Nam có tới 51,1% các cơ sở đào tạo tiến sĩ không đào tạo bậc đại học nên việc tuyển sinh nghiên cứu sinh cũng như những điều kiện khác nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo tiến sĩ có nhiều hạn chế. Các trường đại học đào tạo cả đại học, thạc sĩ, tiến sĩ có nhiều thuận lợi hơn trong tuyển sinh nghiên cứu sinh chỉ chiếm 35,5% trong tổng số 137 cơ sở đào tạo tiến sĩ trong cả nước. |
PV: Ông đánh giá như thế nào về việc nghiệm thu những đề tài nghiên cứu khoa học ở các cơ sở giáo dục, chất lượng của những công trình nghiên cứu khoa học?
PGS, TS Phạm Hồng Tung:Hiện nay, mặt bằng chung của những công trình nghiên cứu khoa học ở Việt Nam còn hạn chế, chưa đạt được đẳng cấp quốc tế. Các cơ sở đào tạo chưa có sự đánh giá khắt khe đối với những luận án tiến sĩ. Nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học còn có sự xuê xoa, thể hiện rõ là trên 70% công trình nghiên cứu khoa học đều được đánh giá là tốt, khá. Phần lớn các luận văn cao học và luận án tiến sĩ đều được chấm đỗ ở điểm số rất cao và được đánh giá là giỏi, xuất sắc.
Tuy nhiên, chúng ta lại ít những công trình nghiên cứu khoa học được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Ít tiến sĩ, thạc sĩ được mang danh hiệu quốc tế. Điều này đã minh chứng cho việc chấm đề tài nghiên cứu khoa học tiến sĩ ở nước ta còn chưa chặt chẽ và đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chất lượng nghiên cứu khoa học và đào tạo sau đại học không cao.
Thị trường tri thức phải có sự cạnh tranh
PV: Vậy theo ông, chúng ta phải thay đổi, cải tiến những gì để công tác nghiên cứu khoa học thực sự đạt chất lượng và được cộng đồng quốc tế công nhận?
PGS, TS Phạm Hồng Tung:Trên thế giới, người ta đang đặt nghiên cứu khoa học công nghệ và thị trường tri thức, chất xám trong xu hướng cạnh tranh lành mạnh. Vì vậy, các cơ sở giáo dục ở Việt Nam cũng nên học tập hình thức này và phải đặt vấn đề đào tạo và nghiên cứu khoa học trong không khí cạnh tranh.
Khi nào các cơ sở giáo dục ở Việt Nam đặt vấn đề cạnh tranh lành mạnh trong đào tạo và nghiên cứu khoa học thì những người tài thực sự mới có thể chiếm lĩnh được thị trường tri thức. Còn những tiến sĩ “giấy” sẽ không thể tồn tại nếu không thực sự phấn đấu, cống hiến nghiêm túc.
Nếu Việt Nam vẫn duy trì tư duy, văn hoá, ứng xử theo kiểu bao cấp thì chúng ta sẽ chỉ đào tạo ra những tiến sĩ “giấy” và đưa ra những công trình nghiên cứu khoa học theo kiểu giả tạo. Chừng nào Việt Nam chưa thiết lập được thị trường cạnh tranh về chất xám một cách lành mạnh thì chúng ta sẽ phải gánh chịu sự “lãng phí chất xám” và tổn thất về kinh tế cho giáo dục đào tạo là vô cùng lớn.
PV:Trong chiến lược phát triển giáo dục của Việt Nam từ nay đến năm 2020, Bộ GD-ĐT đưa ra đề án đào tạo 20.000 tiến sĩ phục vụ cho các cơ sở giáo dục. Theo ông, khi thực hiện đề án này, chúng ta sẽ gặp phải trở ngại nào?
PGS, TS Phạm Hồng Tung:Đề án đào tạo 20.000 tiến sĩ phục vụ cho các cơ sở giáo dục là một chương trình có thể thực hiện được nếu như chúng ta khảo sát rõ 20.000 tiến sĩ đó sẽ được sử dụng vào những việc gì, ở những đâu, những ngành nghề nào cần khoảng bao nhiêu tiến sĩ.
Để đào tạo 20.000 tiến sĩ đạt chất lượng tốt, các cơ sở giáo dục, học viện phải tận dụng sự hợp tác quốc tế trong đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài.
Trước kia, người đi học nước ngoài chủ yếu đến các nước Xã hội Chủ nghĩa nhưng hiện nay, việc cử người đi học ở nước ngoài đã dễ dàng hơn do nhiều nước trên thế giới đều muốn thu hút và tài trợ cho nhân tài của Việt Nam sang đó để học tập và làm việc. Đây cũng là một lợi thế, cơ hội giúp Việt Nam hợp tác với các cơ sở đào tạo nước ngoài để cử người sang đó học tập nhưng nếu chúng ta không có sự ràng buộc và có chế độ đãi ngộ xứng đáng, môi trường làm việc hấp dẫn, thu hút với người được cử đi học ở nước ngoài học xong trở về nước làm việc thì chúng ta sẽ rơi vào tình trạng “chảy máu chất xám” và lãng phí nhân tài để phục vụ cho sự phát triển đất nước.
PV: Xin cảm ơn ông!