Các báo cáo và ý kiến tại Hội nghị trực tuyến tới tất cả các tỉnh, thành phố sơ kết 6 tháng đầu năm 2013 của Ban chỉ đạo chương trình quốc gia phòng chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138) dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo, đang được dư luận hết sức quan tâm.

Trước hết, cần ghi nhận nỗ lực phòng, chống tội phạm của các ngành và Ban chỉ đạo 138 ở Trung ương và địa phương khi tình hình tội phạm tiếp tục được kiềm chế; số vụ phạm tội được phát hiện, khởi tố, điều tra và số đối tượng truy nã bị bắt, ra đầu thú đều tăng; kết quả đấu tranh phòng chống tội phạm về kinh tế, tham nhũng môi trường, tội phạm ma túy có chuyển biến tích cực. Chất lượng công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác tội phạm, kiến nghị điều tra, khởi tố, xử lý tội phạm được nâng lên.

toi%20pham.jpg
Tội phạm cướp giật trên địa bàn TP HCM diễn biến phức tạp (Ảnh Petrotimes)

Như lời Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói, người dân có thể còn có những khó khăn về vật chất nhưng họ có quyền được hưởng một cuộc sống bình an. Và đó là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và ngành công an. Nhưng không ít thông tin trong hội nghị này lại khiến người ta lo lắng, băn khoăn, thậm chí tức giận.

Không lo sao được khi tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ gây án diễn ra nghiêm trọng ở nhiều địa phương; hầu hết các đối tượng trong các băng nhóm đều tàng trữ sử dụng vũ khí nóng, vật liệu nổ sẵn sàng gây án; tội phạm cờ bạc diễn ra phổ biến, mở rộng tính chất và quy mô với nhiều phương thức và thủ đoạn tinh vi?

Không băn khoăn sao được khi hoạt động buôn lậu, trốn thuế, buôn bán hàng cấm diễn ra phức tạp ở cả tuyến đường bộ, đường không, đường biển; tội phạm ma túy vẫn diễn biến phức tạp trên các địa bàn trọng điểm?

Nhưng điều khiến người dân không chấp nhận được, chính là thông tin (dù mới chỉ là kết quả điều tra ban đầu), rằng một số nơi có hoạt động của các băng nhóm tội phạm có sự bảo kê, làm ngơ, thiếu trách nhiệm hoặc né tránh của cán bộ, chính quyền cơ sở!

Nguyên nhân gia tăng các loại tội phạm có cả hai mặt khách quan và chủ quan, có trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Nhưng sự yếu kém về năng lực của một bộ phận cán bộ không thể đem ra giải thích cho hành vi bảo kê băng nhóm xã hội đen!

Những vụ việc vi phạm pháp luật kiểu “voi lọt lỗ kim” khi diễn ra công khai trong thời gian dài chỉ được phát hiện qua tai mắt của quần chúng nhân dân, sự vào cuộc của báo chí liệu chăng xuất phát từ nguyên nhân trên?

Những con số thể hiện qua báo cáo và những gì đang diễn ra trên thực tế gợi cho chúng ta suy nghĩ nhiều điều về vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng; về chức năng giám sát của các tổ chức, đoàn thể ở cơ sở và cả về trách nhiệm công dân của mỗi người trong việc dũng cảm đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật nói chung trong xã hội./.