Trong những năm gần đây, tình trạng người dân ở một số tỉnh, thành phố lớn cho con học trái tuyến tương đối nhiều dẫn đến nhiều trường học, lớp học rơi vào tình trạng “quá tải” học sinh. Việc cho phép được học trái tuyến cũng là một trong những “kẽ hở” dẫn đến tình trạng tiêu cực trong “chạy” trường, “chạy” lớp ở tuyến đầu cấp học.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VOV.VN, bà Trần Thị Thắm, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD-ĐT khẳng định: Những năm gần đây, tình trạng học sinh học trái tuyến diễn ra phổ biến chủ yếu ở các tỉnh, thành phố lớn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do người dân có hộ khẩu ở một nơi nhưng lại ở địa chỉ khác nên họ xin cho con học trái tuyến để đảm bảo con em được đi học gần. Ngoài ra, còn do hiện tượng di dân một cách cơ học như phụ huynh muốn cho xin cho con học trường ở gần cơ quan để tiện đưa, đón. Vì vậy, việc cấm tuyển sinh trái tuyến là duy ý chí.

ba-tham-1_onjf.jpg 

Bà Trần Thị Thắm

Hiện nay, mỗi một địa phương có những điều kiện kinh tế-xã hội và trình độ giáo dục đa dạng, khác nhau nên việc tuyển sinh đầu năm học cũng rất khác nhau.

Bộ không quy định tuyển sinh trái tuyến các trường học. Các địa phương có trách nhiệm quản lý tuyển sinh đầu năm học tùy thuộc vào tình hình thực tế một cách hài hòa. Trước tiên, các trường học phải ưu tiên tuyển sinh 100% học sinh đúng tuyến được vào học ở trường. Nếu còn chỉ tiêu, các trường mới được tuyển sinh thêm học sinh trái tuyến.

Để khắc phục tình trạng tuyển sinh trái tuyến có thể dẫn đến tình trạng “chạy” trường, “chạy” lớp, bà Trần Thị Thắm cho rằng, phòng GD-ĐT các quận (huyện) ở các địa phương phải công khai, minh bạch chỉ tiêu tuyển sinh đầu cấp và có sự kiểm soát chặt chẽ nguồn tuyển sinh này.

Là một trong những nơi có số lượng học sinh trái tuyến đông, hiện nay, Sở GD-ĐT Hà Nội đang hoàn thiện phương án tuyển sinh vào các lớp đầu cấp (gồm mầm non, lớp 1, lớp 6 và lớp 10) năm học 2014 - 2015. Nguyên tắc và mục tiêu xây dựng phương án tuyển sinh là phân tuyến hợp lý, bảo đảm đủ chỗ học cho tất cả học sinh.

Năm nay, Hà Nội vẫn cho phép tuyển sinh trái tuyến nhưng tiếp tục duy trì chủ trương “3 tăng, 3 giảm”, cụ thể là tăng quy mô tuyển sinh, tăng chất lượng công tác tuyển sinh, tăng cơ sở vật chất; giảm số học sinh trái tuyến, giảm số học sinh trên lớp và giảm số lớp ở những trường có quy mô quá lớn.

Theo kế hoạch, cấp mầm non phấn đấu tăng tỷ lệ huy động trẻ ra lớp với tỷ lệ ít nhất 31% với trẻ nhà trẻ, 95% với trẻ mẫu giáo, 100% trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường và được học đủ 2 buổi/ngày. Các trường tiểu học và THCS vẫn tuyển sinh theo phương thức xét tuyển, đảm bảo 100% học sinh đúng tuyến được vào học./.