Chỉ còn khoảng 3 tháng nữa, các trường THCS sẽ bắt đầu tuyển sinh đầu năm học. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT vừa có công văn gửi các Sở GD-ĐT hướng dẫn cụ thể hơn về tuyển sinh lớp 6 đối với các trường THCS có số lượng học sinh đăng ký vào học vượt nhiều so với chỉ tiêu tuyển sinh. Đặc biệt, Bộ yêu cầu các địa phương, trường học tuyệt đối không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 6.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, thực tế cho thấy, nhiều năm nay, những trường ở Hà Nội hay một số địa phương khác có chất lượng cao về giảng dạy, điều kiện học tập tốt và được tuyển sinh ở nhiều tuyến khác nhau như trường THCS Lương Thế Vinh, THCS và THPT Nguyễn Tất Thành, Đoàn Thị Điểm, Hà Nội- Amsterdam… thu hút một lượng lớn phụ huynh muốn cho con vào học. Những trường này phải tổ chức thi tuyển thì mới đảm bảo được công bằng và mới chọn được học sinh có học lực tốt vào trường.

gs_minh_thuyet_vdqr.jpg
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết

Có thể trước sức ép quá lớn từ dư luận xã hội về tình trạng quá tải trong việc dạy thêm-học thêm, thi cử nhiều, Bộ GD-ĐT ban hành quy định không tổ chức khảo sát học sinh đầu năm học, không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 6. Nếu Bộ không cho những trường có chất lượng giáo dục tốt hay những trường có số đơn đăng ký vào đông thi tuyển thì có thể xảy ra tình trạng phụ huynh xếp hàng từ 2-3h sáng, chầu chực, chen lấn để mua được đơn vào trường. Như vậy, cơ hội vào học ở những trường này sẽ thuộc về những học sinh có phụ huynh chịu khó đợi cả đêm trước cổng trường hoặc có “mối quan hệ tốt” với nhà trường.

Nếu Bộ GD-ĐT không cho những trường có số lượng đơn đăng ký xin vào học đông vượt quá chỉ tiêu thi tuyển thì họ rất khó có phương án khả thi để thực hiện công tác tuyển sinh.

GS.TS  Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, ngoài giải pháp tổ chức thi để chọn lọc thí sinh vào lớp 6 thì những giải pháp khác khác đều bất khả thi. Chẳng hạn, dựa vào kết quả học tập của học sinh ở cấp Tiểu học chưa chắc đã chính xác, đáng tin cậy. Hiện nay, Bộ GD-ĐT không cho các trường chấm điểm học sinh Tiểu học. Chỉ dựa vào lời nhận xét hoặc hình cười, hình mếu thay điểm số ở tiểu học, các trường THCS sẽ không biết dựa vào kết quả học tiểu học để tuyển sinh như thế nào. Hơn nữa, việc tổ chức thẩm định học bạ học sinh tiểu học nhiều khi còn mất thời gian hơn là tổ chức thi cử cho học sinh vào lớp 6.

Có thể thấy rằng, Bộ đưa ra quy chế “cấm thi tuyển” mà không có giải pháp hữu hiệu thì không chỉ làm khó cho các trường có chất lượng giảng dạy tốt trong công tác tuyển sinh mà còn gây thiệt thòi cho học sinh có năng lực học tập tốt muốn được theo học ở những trường này.

GS Thuyết cho rằng, đáng lẽ, trước khi đưa ra quy định cấm tuyển sinh vào lớp 6, Bộ GD-ĐT nên trưng cầu ý kiến của các trường và các chuyên gia để tìm giải pháp đã.

Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nếu Bộ GD-ĐT không đưa ra được những giải pháp cụ thể cho các trường có số lượng đơn đăng ký vào đông thì Bộ hãy để các trường căn cứ vào điều kiện thực tế để đề xuất giải pháp cho trường mình. Còn nếu các trường lợi dụng việc thi tuyển để trục lợi hay làm những việc sai quy định thì Sở GD-ĐT ở địa phương phải có những biện pháp kiểm soát, xử lý nghiêm.

Chất lượng học tập của học sinh khó có thể đảm bảo

Trước sức ép quá lớn từ việc học hành quá tải, học thêm-dạy thêm không kiểm soát được, trong những năm gần đây, Bộ GD-ĐT đã loại bỏ gần hết các kỳ thi.

 

 

 

 

Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, với quy định của Luật Giáo dục và quy định trên, mọi cánh cổng từ lớp 1 đến tận lớp 12 đều mở toang. Suốt 12 năm học, học sinh chỉ còn có 1 kỳ thi THPT quốc gia. Như vậy, e rằng, chất lượng học tập của học sinh khó có thể đảm bảo được tốt. Bởi vì học hành mà không có kiểm tra, đánh giá, thi cử, sàng lọc thì học sinh có thể sẽ không còn động cơ phấn đấu, nỗ lực trong học tập, thiếu sự tự tin để vững bước vào cuộc sống và đất nước khó có thể đảm bảo có được nguồn nhân lực chất lượng tốt.

Ngoài việc cấm tuyển sinh vào lớp 6 đối với các trường THCS có số lượng học sinh đăng ký vào học vượt nhiều so với chỉ tiêu tuyển sinh, Bộ GD-ĐT còn yêu cầu các trường không tổ chức khảo sát học sinh đầu năm học.

Việc khảo sát đầu năm học là nhằm đánh giá, kiểm tra năng lực học tập của học sinh ở mức nào, yếu kém đến đâu để nhà trường và giáo viên điểu chỉnh cách thức giảng dạy phù hợp, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, thời gian qua, có một số trường đã lợi dụng khảo sát đầu năm học để phân loại các lớp chuyên, chọn và lớp bình thường. Đây cũng là nhu cầu của đông đảo phụ huynh có con có năng lực học tập vượt trội hơn so với những học sinh khác.

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, Nghị quyết số 02-NQ/HNTW ngày 24/12/1996 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã yêu cầu “Không tổ chức trường chuyên ở bậc Tiểu học và THCS”. Bậc THCS là cấp học phổ cập với đối tượng là thanh, thiếu niên từ 11 đến 18 tuổi. Vì vậy, các trường cần cân nhắc kỹ khi tổ chức khảo sát đầu năm học, không nên phân loại lớp chuyên và chọn. Về phía phụ huynh cũng cần hiểu là nếu con mình có kiến thức, năng lực vượt trội thì có thể vẫn học chung với học sinh yếu hơn nhưng có thế mạnh mà con họ không có./.