Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội năm nào cũng "nóng" khi số lượng chỉ tiêu vào các trường THPT công lập chỉ có hạn. Theo số liệu từ Sở GD-ĐT Hà Nội, năm nay, toàn thành phố có khoảng 104.000 học sinh (tăng khoảng 14.000 học sinh so với năm học 2021-2022) tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Trong đó, chỉ tiêu vào các trường công lập tuyển khoảng 77.000 học sinh (tăng khoảng 10.000 học sinh so với năm học 2021-2022). Điều này đồng nghĩa với khoảng 27.000 học sinh khác sẽ không có "vé" vào trường công lập. Trước mỗi kỳ thi, đặc biệt là giai đoạn nước rút, không chỉ học sinh mà các nhà trường cũng đang dồn toàn lực, gấp rút ôn tập để các em bước vào kỳ thi với tâm thế tự tin, chắn kiến thức nhất.
Tại Trường THCS Chu Văn An (Long Biên, Hà Nội), thầy Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hàng năm, việc ôn tập cho học sinh lớp 9 luôn được đặc biệt chú trọng. So với những khóa trước, học sinh lớp 9 năm nay có phần khó khăn hơn khi có đến 3 năm liên tiếp phải học online kéo dài do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dẫn đến chất lượng học tập chưa thực sự như mong đợi. Do đó, ngay khi học sinh được trở lại học trực tiếp, Trường THCS Chu Văn An đã gấp rút tiến hành bù đắp kiến thức cho học sinh.
“Trong quá trình tổ chức ôn tập, nhà trường chia ra các giai đoạn cũng như tuyên truyền, phổ biến để phụ huynh nắm rõ thời gian thi, kế hoạch thi, từ đó cùng với nhà trường phối hợp chuẩn bị tốt nhất cho các con bước vào kỳ thi.
Ở giai đoạn 1, sau khi các con đến trường học trực tiếp cho đến hết tháng 5, trường thực hiện nhiệm vụ hoàn thành các chương trình học theo quy định. Ngoài việc thực hiện thời khóa biểu như thông thường, chúng tôi có các tiết tăng cường môn Toán, Văn, Ngoại ngữ giúp học sinh bổ sung kiến thức. Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 diễn ra từ ngày 18/6, nên khi kết thúc năm học, còn khoảng nửa tháng để nhà trường tiếp tục bồi dưỡng cho các con. Đây là thời gian tập trung ôn thi cao độ hơn cho 3 môn thi. Với cách làm như vậy, hy vọng các em sẽ được bù đắp kiến thức, bám sát trọng tâm kiến thức, tự tin và có kết quả tốt nhất trong kỳ thi này”, thầy Nguyễn Anh Tuấn cho biết.
Theo đánh giá của thầy Nguyễn Anh Tuấn, bước sang năm thứ 3 học trực tuyến, học sinh lớp 9 đã thích nghi tốt hơn với việc học online tại nhà, việc chuẩn bị cả từ phía gia đình và nhà trường đều chu đáo hơn trước. Do đó, dù chất lượng học của học sinh trong thời gian tạm dừng đến trường chưa thực sự tốt như khi học trực tiếp nhưng vẫn đảm bảo duy trì ổn định.
“Các thầy cô luôn cố gắng có nhiều hình thức đổi mới trong phương pháp giảng dạy như ứng dụng CNTT để học sinh có những hình thức học mới, tương tác mới. Ngay khi trở lại học trực tiếp, các giáo viên cũng đã khảo sát để biết học sinh đang gặp những lỗ hổng kiến thức nào, từ đó kịp thời hỗ trợ các em, đặc biệt là các em có học lực kém. Ngoài ra, với những em có học lực xuất sắc, có nguyện vọng thi vào các trường chuyên, bên cạnh việc bồi dưỡng kiến thức chung, giáo viên sẽ có chương trình bồi dưỡng riêng để giúp các em đạt được mục tiêu mong muốn”, thầy Nguyễn Anh Tuấn cho biết.
Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An cũng cho rằng, trước mỗi kỳ thi, học sinh luôn phải đối mặt với nhiều lo âu, căng thẳng, áp lực, đặc biệt, khi các em phải học online dài ngày, dễ gây tâm lý ức chế, căng thẳng. Do đó, nhà trường luôn chú trọng hoạt động tư vấn tâm lý, đưa các hoạt động thể dục thể thao, sinh hoạt câu lạc bộ để giúp học sinh rèn luyện sức khỏe và tháo gỡ những căng thẳng sau mỗi giờ học.
Tại Trường THCS Đống Đa, cô Đinh Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng nhà trường cũng cho hay, ngay sau khi học sinh trở lại học trực tiếp, nhà trường đã tiến hành khảo sát, đánh giá lại kết quả trong thời gian học trực tuyến, từ đó lên kế hoạch giảng dạy, ôn tập phù hợp cho học sinh, đặc biệt là học sinh lớp 9. “Kết quả khảo sát cho thấy kiến thức của các em không quá tệ, nhưng về kỹ năng làm bài thì không được tốt như khi học trực tiếp. Nhà trường đang cố gắng bù đắp những kiến thức, kỹ năng còn thiếu để các em sẵn sàng bước vào kỳ thi. Ngay sau khi học sinh hoàn thành bài kiểm tra học kỳ 2, thầy cô sẽ khẩn trường tổ chức ôn tập 3 môn Toán, Văn, Tiếng Anh. Ngoài tổ chức ôn tập đại trà, trường cũng có kế hoạch ôn tập riêng cho những em có học lực trung bình, tư vấn để các em có sự lựa chọn trường phù hợp”.
Còn theo ông Phạm Văn Ngát, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Thanh Trì (Hà Nội), năm nay, học sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội sẽ chỉ làm 3 môn thi gồm Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh thay vì 4 môn như những năm trước. Với học sinh lớp 9 năm nay, các em đã trải qua 3 năm học trực tuyến kéo dài, đây là thiệt thòi lớn, không chỉ ảnh hưởng đến kết quả học tập mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý học sinh. Học trực tuyến là giải pháp tình thế hữu hiệu nhất tại thời điểm dịch bệnh, song thực tế hiệu quả không thể cao như thời điểm học trực tiếp. Do đó, ngay khi học sinh trở lại trường, Phòng GD- ĐT huyện Thanh Trì đã chỉ đạo các nhà trường ngoài đảm bảo giờ học, không cắt giờ cắt tiết, thì vẫn cần tập trung ôn tập, bổ trợ thêm kiến thức 3 môn mà học sinh sẽ thi vào lớp 10.
“Các trường có nhiều giải pháp, trong đó chủ động tăng cường cho học sinh học vào các tiết không – tiết truy bài. Ngoài ra, có những buổi học sinh chỉ học 2-3 tiết, các lớp sẽ tận dụng các tiết trống để tổ chức ôn tập, vừa bù đắp kiến thức thiếu hụt khi học online vừa ôn tập thi vào 10.
Phòng GD-ĐT cũng chỉ đạo theo đúng tinh thần của Sở GD-ĐT là không kéo dài khung năm học, các trường sẽ tận dụng 2 tuần cuối cùng của năm học để tiếp tục tổ chức ôn tập cho học sinh”, ông Phạm Văn Ngát nói.
Cũng theo ông Phạm Văn Ngát, giống như các năm, các trường đã tiến hành phân loại học sinh giỏi, học sinh yếu kém để có chương trình hỗ trợ phù hợp. Ngoài công tác ôn tập, các trường đã tiến hành tư vấn hướng nghiệp cho học sinh trong việc lựa chọn các trường THPT phù hợp với năng lực thực tế từng em./.