Đại học Giáo dục là trường đại học thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội. Trường đã và đang không ngừng mở rộng mối quan hệ với các trường đại học hàng đầu trong nước và trên thế giới, nhằm thúc đẩy việc trao đổi thông tin và tiến hành các hoạt động hợp tác về đào tạo giáo viên và nghiên cứu khoa học giáo dục.
Đến nay, Trường đã có một mạng lưới hợp tác quốc tế rộng khắp với gần 100 trường đại học, cao đẳng và các viện nghiên cứu hàng đầu trên thế giới. Chuyến công tác tới Liên bang Nga vừa qua của lãnh đạo Nhà trường cũng là một trong những bước đi thúc đẩy quan hệ hợp tác đào tạo vốn có truyền thống trong quan hệ hợp tác Việt - Nga nhiều năm qua.
Nhân dịp này, PGS.TS. Lê Kim Long, Hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục đã dành cho phóng viên VOV thường trú tại Liên bang Nga cuộc phỏng vấn về chính sách và triển vọng hợp tác của trường với các trường đại học Nga.
PV:Thưa ông, chuyến thăm Nga lần này của đoàn lãnh đạo trường Đại học Giáo dục có những hoạt động gì phục vụ thúc đẩy quan hệ hợp tác với các trường Đại học Nga?
PGS.TS. Lê Kim Long: Chúng tôi đã đi 3 địa điểm quan trọng trong chuyến thăm Nga lần này, đó là tới Đại học Sư phạm Quốc gia Saint Petersburg; Đại học Tổng hợp Quốc gia mang tên Lomonosov (MGU) và Trung tâm Phát triển Giáo dục của Nga. Cả 3 nơi đều rất thành công vì đã tạo ra những điểm nhấn mới trong quan hệ, gợi cho người Nga thấy rằng, họ vẫn có trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi cũng như niềm vui khi quay trở lại giúp Việt Nam.
PV: Vậy thưa ông, qua chuyến thăm này cũng như qua những gì đã tìm hiểu, ông có ý kiến gì về chủ trương thúc đẩy quan hệ hợp tác đào tạo, giáo dục với các trường đại học của Nga?
PGS.TS. Lê Kim Long: Thực tế mà nói, trước đây, hầu hết các nhà khoa học ở các trường đại học của Việt Nam đều được đào tạo tại Nga. Từ những người đi đầu, tiên phong như GS. Nguyễn Tài Cẩn, GS. Nguyễn Trọng Do, GS. Nguyễn Thị Mỹ Lộc... những người đi đầu trong phát triển nền giáo dục Việt Nam.
Đã qua thời kỳ phát triển rầm rộ, tiếng Nga được cả nước nói, chúng ta bị khoảng thời gian trống gần 20 năm quan hệ Việt Nam và Nga bị lắng đọng. Bởi mỗi nước đều tìm cách phát triển riêng mình. Sự hỗ trợ của Nga đối với Việt Nam cũng bị đứt đoạn từ đó.
Đến bây giờ, trong vòng 3 năm trở lại đây thì chủ trương của Việt Nam cũng phát triển mối quan hệ này và chúng tôi cũng cho rằng, mối quan hệ này nên phát triển vì dù sao bạn cũng có nền tảng vững chắc về khoa học công nghệ cũng như giáo dục và với ĐHQG Hà Nội thì đây là điểm nhấn để phát triển giai đoạn mới.
PV: Vậy theo ông, triển vọng hợp tác giữa trường Đại học Giáo dục với các trường đại học Nga thời gian tới sẽ thế nào?
PGS.TS. Lê Kim Long:Triển vọng hợp tác là rất sáng sủa bởi thứ nhất, Việt Nam không chỉ là nơi hưởng thụ mà Việt Nam đã đổi mới rất nhanh và nhiều lúc còn đi trước Nga trong quốc tế hóa và thị trường hóa giáo dục. Tuy nhiên, nền tảng của chúng ta không vững chắc, cho nên chúng ta đi có những bước rất nhanh nhưng không căn bản.
Trong khi đó, ngược lại, nước Nga đang bắt đầu tìm đường đi đến toàn cầu hóa và quốc tế hóa giáo dục. Mà chủ trương được Tổng thống Putin nêu ra trong Hội nghị Hiệu trưởng hơn 200 trường đại học của Nga hôm thứ Năm vừa rồi cũng nhấn mạnh đến chất lượng và toàn cầu hóa giáo dục của Nga.
Hợp tác giữa hai bên đòi hỏi hai bên cùng nỗ lực và Việt Nam sẽ là trường hợp điển hình rút kinh nghiệm ở Việt Nam làm kinh nghiệm tốt cho Nga chứ không chỉ là học tập Nga và tốt cho Việt Nam. Cái này là song phương hai chiều và tôi đã nói không chỉ với khoa Sư phạm mà còn nói với cả Đại học Sư phạm Quốc gia Saint Petersburg về hướng nghiên cứu này để tốt cho cả hai nước.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông!./.