Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn ở kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu đã đặt một số câu hỏi về sách giáo khoa.
Đại biểu Trần Thị Dung (đoàn Điện Biên) cho rằng, việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa, giáo dục phổ thông, yêu cầu đặt ra là phải giảm áp lực cho học sinh nhưng qua thí điểm, cử tri phản ánh, nội dung kiến thức không giảm mà còn tăng rất nặng.
Đại biểu Trần Thị Dung (Ảnh: quochoi.vn) |
Đối với chương trình, sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, có gần 50 địa phương thí điểm và còn hơn 10 địa phương không thí điểm.
Có địa phương trả lời không thí điểm vì cho rằng đó là phương pháp chỉ dành cho những địa phương có nhiều học sinh khó khăn trong việc tiếp cận tiếng Việt.
Đại biểu Trần Thị Dung muốn biết việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa như vậy có thực hiện được lộ trình như Nghị quyết của Quốc hội hay không?
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, một trong những mục tiêu rất quan trọng của đổi mới chương trình, sách giáo khoa lần này là phải giảm tải được việc học và dạy cho học sinh, giáo viên. Cho đến nay, ban soạn thảo cũng như các chuyên gia đã bám sát và đã đạt được mục tiêu này.
Bộ sách Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục |
Về vấn đề chuẩn bị, trong thời gian qua, với tinh thần rất thận trọng, chu đáo, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo Ban soạn thảo xây dựng chương trình tổng thể và chương trình các môn học.
Nhiệm vụ tới đây, Bộ sẽ xin ý kiến của Chính phủ, Quốc hội để tiếp tục chuẩn bị biên soạn sách giáo khoa, bồi dưỡng giáo viên, cùng các với địa phương chuẩn bị trường lớp một cách cụ thể, thận trọng.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ giải thích, việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa lần này liên quan đến rất nhiều hoạt động. Thời hạn áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới bắt đầu từ năm học 2020 - 2021 cho lớp 1, theo lộ trình cuốn chiếu như Quốc hội đã cho phép tại Nghị quyết 51.
“Chúng tôi thấy, khoảng thời gian đó đủ để Bộ GD-ĐT cùng với các địa phương chuẩn bị các điều kiện để chương trình mới khi đi vào thực hiện đảm bảo kết quả tốt. Khi đã thực hiện rồi thì không có thí điểm” – Bộ trưởng Xuân Nhạ nói.
Việc thí điểm sách vừa qua là áp dụng với môn tiếng Việt. Cách đây 2 năm, Bộ GD-ĐT đã cho khảo sát, vừa qua đã đánh giá tổng kết và đưa vào phương pháp dạy Tiếng Việt lớp 1 theo sách Công nghệ giáo dục.
Hiện tại, đây không còn là phương pháp thực nghiệm nữa nhưng xã hội vẫn giữ khái niệm "cửa miệng" là…thực nghiệm.
Bộ trưởng khẳng định, phương pháp dạy Tiếng Việt lớp theo sách Công nghệ giáo dục này cùng với chương trình VNEN đổi mới, tới đây sẽ được thẩm định lại theo yêu cầu đề ra.
Nếu sách đáp ứng được các nội dung, Bộ sẽ xây dựng được bộ sách. Khi đó, sách Công nghệ giáo dục sẽ trở thành một sách chính thức theo đúng quy định, không còn thí nghiệm nữa.
Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang rất tích cực chuẩn bị cho các công việc thực hiện Nghị quyết 51 của Quốc hội./.