Theo thống kê, thời gian qua trên địa bàn cả nước đã xảy ra 324 vụcháy ô tô, xe máy. Riêng tại Đồng Nai, tính đến ngày 19-2-2012, đã xảy ra trên 10 vụ cháy ô tô, xe máy, gây thiệt hại tài sản hơn 2 tỷ đồng. Điển hình, lúc 13 giờ 15 ngày 17-12-2011, trên quốc lộ 51 (đoạn thuộc địa bàn ấp Long Đức 2, xã Long Đức, huyện Long Thành) xảy ra vụ cháy xe ô tô biển số 60P-1267, khi xe đang lưu thông trên đường, làm thiệt hại khoảng 120 triệu đồng. Mới đây nhất là vụ cháy xe ô tô 4 chỗ ngồi hiệu BMW làm thiệt hại trên 1,7 tỷ đồng.

Qua điều tra nguyên nhân số vụ cháy ô tô, xe máy trên địa bàn tỉnh, bước đầu Sở Cảnh sát PCCC mới chỉ xác định có 6 vụ cháy là do sự cố từ hệ thống điện, như: chập điện, dây dẫn bị quá tải, đánh tia lửa điện, phóng điện; một vụ do rò rỉ ống xăng (chiếm tỷ lệ 11,11%), số còn lại chưa rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, dù chưa thể chỉ đích danh "thủ phạm”song đa số ý kiến đều tập trung vào "nghi can” nhiên liệu, ít nhất cũng là nguyên nhân gián tiếp.
 
Theo nhận định của nhiều người, chất lượng xăng không đảm bảo, có thể vì lợi nhuận nên các đại lý xăng dầu đã pha methanol hay ethanol, đây là nguyên nhân gián tiếp gây ra những sự cố không đáng có.
 
Nhận định về vấn đề xăng dầu là nguyên nhân gây nên những vụ bốc cháy vô cớ, ông Hoàng Mạnh Hùng, nguyên Viện phó Viện Khoa học kỹ thuật hình sự, Bộ Công an từng cho rằng, 12 hãng ô tô lớn trên thế giới đã khuyến cáo không được dùng phụ gia methanol hay ethanol pha vào xăng do tính chất ăn mòn đối với cao su, polymer tổng hợp. Methanol là chất phản ứng mạnh, dễ cháy, dễ hòa tan trong xăng. Ống nhiên liệu, gioăng cao su... có thể bị ăn mòn khi nồng độ methanol đạt mức 15% trở lên.
Vừa qua TP. Hồ Chí Minh liên tục phát hiện và xử phạt những cây "xăng bẩn” cho thấy nguy cơ người tiêu dùng bị mất an toàn là rất cao và nguy cơ này đang tiềm ẩn ở trong tất cả hệ thống xăng dầu. Có thể thấy, những vi phạm về chất lượng xăng dầu được phát hiện trong thời gian vừa qua chủ yếu là ở hệ thống các đại lý. Vậy mà đến nay việc quản lý chất lượng xăng dầu vẫn bị bỏ ngỏ.
 
Hiện cả nước có khoảng 13.000 cửa hàng xăng dầu, trong đó các cửa hàng trong hệ thống của các doanh nghiệp đầu mối chỉ có trên 3.000 cửa hàng (chiếm 25 - 30%), còn lại 10.000 cửa hàngđại lý của tổng đại lý, doanh nghiệp tư nhân chiếm khoảng 75% thì ai quản lý? Trong một cuộc họp mới đây, lãnh đạo Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, trên 2.000 cửa hàng xăng dầu trực thuộc hệ thống, Petrolimex đã đầu tư rất tốn kém vào quy trình kỹ thuật cũng như các khâu quản lý chất lượng nên xăng dầu bán ra được đảm bảo chất lượng, số lượng, giá bán.
 
Tuy nhiên, Petrolimex còn cung cấp xăng dầu cho 4.000 cửa hàng là của đại lý, tổng đại lý, mà việc kiểm soát hệ thống này khá phức tạp, còn nhiều vấn đề bất cập. Ngoài ra, một số doanh nghiệp xăng dầu còn khẳng định, họ quản lý và đảm bảo chất lượng xăng nhưng khi về đến các đại lý thì không ai có thể quản lý được.
 
Nói về quản lý chất lượng xăng dầu, Bộ Công Thương cho rằng, đầu mối quản lý nhà nước về chất lượng xăng dầu là Bộ Khoa học và Công nghệ. Bộ Công Thương chỉ chịu trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát hệ thống phân phối, chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường. Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu như đầu mối, tổng đại lý, đại lý phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng xăng dầu của mình.
Như vậy là đến thời điểm hiện nay việc quản lý chất lượng xăng dầu vẫn chưa có đơn vị nào đứng ra nhận mình là chủ quản và món nợ về sự thất thoát tài sản, thậm chí là tính mạng của người dân vẫn chưa có cơ quan chức năng nào chịu trách nhiệm.
 
Thiết nghĩ, để có thể quản lý được chất lượng xăng dầu luôn cần trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên trong đó có Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, doanh nghiệp kinh doanh. Nói đến quản lý nhà nước thì không thể giao trách nhiệm hết về cho doanh nghiệp, bởi nếu giao trách nhiệm hết về cho doanh nghiệp thì rất ít doanh nghiệp thực hiện tốt. Và, chỉ khi nào cơ quan chức năng, doanh nghiệp không né tránh khi đó mới có thể đảm bảo được chất lượng xăng dầu./.