Để nâng cao chất lượng giảng dạy, Bộ GD-ĐT sẽ thực hiện thí điểm bỏ công chức, viên chức giáo viên kèm theo đó là tăng lương cho giáo viên. Phóng viên VOV.VN phỏng vấn ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội về vấn đề này.

PV:Hiện nay, cấp Tiểu học đang được miễn học phí. Còn cấp THCS, THPT, mức thu học phí không được nhiều. Liệu chúng ta có nên nghĩ tới bỏ miễn học phí ở cấp Tiểu học và nâng mức thu học phí ở cấp phổ thông để các trường có nguồn thu nâng cao hoạt động đào tạo và tăng lương cho giáo viên không, thưa ông?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Hiện nay, Đảng và Nhà nước đang thực hiện đảm bảo nhu cầu xã hội tối thiểu cho người dân ở các lĩnh vực: giáo dục, y tế, nhà ở, nước sinh hoạt và thông tin tuyên truyền...

Đảng và Nhà nước đang thực hiện phổ cập giáo dục cấp Tiểu học, THCS và hướng tới ở cấp THPT. Nếu chúng ta bỏ miễn thu học phí ở cấp Tiểu học và nâng mức thu học phí ở cấp phổ thông để các trường có nguồn thu nâng cao hoạt động đào tạo và tăng lương cho giáo viên là trái với chủ trương phổ cập giáo dục ở các cấp học trên và đảm bảo nhu cầu được đi học của người dân.

giang_vien_irbq.jpg
Bộ GD-ĐT dự kiến thí điểm bỏ biên chế giáo dục đối với một số trường đại học đủ năng lực về tài chính và cơ sở vật chất

PV:Hiện có ý kiến cho rằng, nên bỏ bớt một số dự án đầu tư hàng nghìn tỷ đồng kém hiệu quả để có nguồn tiền tăng lương cho giáo viên. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Đúng là hiện nay, nhiều dự án đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhưng sau khi hoàn thành đưa vào hoạt động lại kém hiệu quả, gây lãng phí về ngân sách Nhà nước.

Nếu tiết kiệm đầu tư xây dựng cơ bản thì cũng là tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước và là cơ sở để tạo nguồn nâng cao đời sống cho người lao động thông qua cải cách chính sách tiền lương và một số chính sách khác. Chứ chúng ta không thể lấy nguồn tiền từ đầu tư xây dựng cơ bản để chi trả trực tiếp cho việc tăng lương giáo viên.

Cần phải xem xét lại Luật Viên chức

PV:Theo ông, các trườnghọcsẽ lấy nguồn tiền ở đâu đểphát triển hoạt động đào tạo vàchi trả tăng lương cho giáo viên?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Chúng ta phải sắp xếp bộ máy một cách hợp lý và tiến hành thực hiện Nghị định 16 của Chính phủ về đổi mới cơ chế hoạt động, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp công lập (trong đó có trường học). Theo đó, các trường phải giảm biên chế một cách hợp lý để có nguồn tiền tăng lương cho những giáo viên làm việc hiệu quả.

Việc tinh giảm biên chế ở các trường học công lập phải đảm bảo công bằng, khách quan, tránh xáo trộn trong xã hội.

Ngoài ra, các trường học phải sắp xếp lại bộ máy, bố trí việc làm, nâng cao năng lực của cán bộ, giáo viên một cách đúng đắn. Chính năng suất làm việc của người lao động sẽ là cơ hội để tạo nguồn chi trả tiền lương tăng thêm cho cán bộ và giáo viên.

Đây chính là cách thức nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (trong đó có trường học công lập) và cũng là tạo nguồn thu tăng lương thêm cho giáo viên.  Chứ chúng ta không thể mãi tăng lương cho người lao động bằng cách nâng lương như lâu nay được.

 Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội

PV: Thưa ông, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang bàn tới việc tăng tuổi  nghỉ hưu cho người lao động.Đối với ngành Giáo dục, theo ông việc kéo dài tuổi nghỉ hưu có cần thiết và nên áp dụng ở những đối tượng nào?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Theo quy định của Điều 187 Bộ Luật Lao động, người lao động đủ 55 tuổi (đối với nữ) và 60 tuổi (đối với nam) mà có 20 năm đóng bảo hiểm xã hội thì đủ điều kiện nghỉ hưu.

Đối tượng thứ hai là những người đủ điều kiện đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm trở lên mà có thời gian công tác ở những vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn có phụ cấp khu vực từ 0,7 trở lên nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì được nghỉ hưu trước thời hạn.

Đối tượng thứ 3 là những người có trình độ, chuyên môn kỹ thuật, trình độ quản lý sẽ được kéo dài thời gian công tác tối đa không quá 5 năm.

Vì vậy, tất cả giáo viên, giảng viên có trình độ chuyên môn cao, có sức khỏe mà có mong muốn được ở lại trường học làm việc và được các cơ sở trường học có nhu cầu sử dụng thì họ có thể được kéo dài thêm thời gian công tác.

PV:Ông nghĩ sao khi Bộ GD-ĐT bỏ biên chế giáo dục thì có nghĩa là phải bỏ luôn thi tuyển công chức, viên chức giáo viên?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Thi tuyển viên chức là thực hiện theo Luật Viên chức. Người giáo viên khi muốn trở thành viên chức thì họ còn phải qua thi tuyển có đủ điều kiện mới là viên chức.

Bộ GD-ĐT đang đề xuất nghiên cứu, làm thí điểm ở những trường học đã được chuyển đổi tự chủ tài chính, tự chịu trách nhiệm hoàn toàn. Sau quá trình thí điểm, phải có tổng kết, đánh giá lại toàn bộ hoạt động thí điểm ở trường công  lập để có đề xuất sửa Luật Viên chức.

Khi có sự tổng kết, đánh giá một cách khách quan thì chúng ta mới quyết định là tuyển dụng giáo viên theo chế độ hợp đồng hay vẫn duy trì tuyển công chức, viên chức.

PV:Xin cảm ơn ông!/.