Liên quan tới những lưu ý cũng như bí quyết để thí sinh có thể đạt điểm cao môn Lịch Sử trong kỳ thi THPT quốc gia 2016, PV đã có cuộc trò chuyện cùng cô Bùi Hương Mơ - Giáo viên dạy Lịch Sử tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định).
|
Theo cô Hương Mơ: “Đầu tiên, các em phải đặt cho mình những mục tiêu rõ ràng. Với các thí sinh chỉ cần đặt mục tiêu tốt nghiệp với môn Lịch Sử thì không cần quá lo lắng bởi yêu cầu của đề ở mức độ này tương đối đơn giản như trình bày về hoàn cảnh, diễn biến, kết quả của một sự kiện lịch sử hoặc rút ra ý nghĩa lịch sử, nguyên nhân thắng lợi hoặc nguyên nhân thất bại...
Chỉ cần học kiến thức như trong sách giáo khoa cơ bản được. Tuy nhiên, các thí sinh cần tránh tình trạng “học vẹt”, “học tủ” mà phải hiểu bản chất và tìm ra logic của các sự kiện lịch sử.
Trong giai đoạn nước rút này, bạn có thể tận dụng những phương pháp ghi nhớ hiệu quả như học từ khái quát đến chi tiết, lập bảng hệ thống kiến thức, bảng so sánh, sơ đồ hóa kiến thức, học trên lược đồ, học theo “từ khóa”... Có thể tận dụng những câu hỏi trong sách giáo khoa để tự kiểm tra đánh giá mức độ học của mình”.
Cũng theo cô Mơ, với các thí sinh có nguyện vọng thi khối C để xét Đại học ở các trường “vừa tầm”: Ngoài việc nắm chắc kiến thức cơ bản thì cần chú ý đến việc rèn kỹ năng làm bài. Hiện nay có khá nhiều tài liệu ôn thi được biên tập dưới dạng hệ thống câu hỏi các em có thể học theo đó. Hoặc các bạn có thể tham khảo các đề đi Đại học, Cao đẳng của các năm trước để luyện tập. Trong đó cũng cần đặc biệt chú ý đến các khâu:
Thứ nhất là phân tích đề: Đọc kĩ đề, gạch chân vào những từ quan trọng, xác định đúng thể loại đề, xác định giới hạn của đề, xác định các yêu cầu của đề...
Thứ hai là lập dàn ý: Cần tạo cho mình thói quen lập dàn ý trước khi viết (khoảng 5 - 10 phút) để tránh sót ý. Trong quá trình viết các bạn hãy sắp xếp các ý đó theo trình tự logic, mạch lạc và có phân loại ý chính - ý phụ để xoáy đúng vào trọng tâm.
Thứ ba là viết bài: Chú ý phân bố thời gian giữa các câu cho hợp lý, thường thì các bạn sẽ chọn những câu dễ (hoặc câu mình thuộc) làm trước, câu khó để sau nhưng nên tránh tình trạng những câu đầu tham viết, viết theo ý mình dẫn đến thừa thiếu không cần thiết trong bài làm, đến những câu sau thì không còn thời gian để viết.
Bài làm hoàn chỉnh phải đảm bảo kết cấu 3 phần: Mở bài, thân bài, kết bài. Phần mở bài không cần cầu kì, chủ yếu là nêu được yêu cầu của đề. Phần thân bài phải tách rõ các ý (các luận điểm) để giải quyết yêu cầu của đề. Phần kết bài khẳng định lại vấn đề, có thể mở rộng nâng cao bằng cách rút ra bài học hoặc mối liên hệ với giai đoạn sau.
Cuối cùng là đọc lại bài: Sau khi hoàn thành xong bài viết, các bạn cần dành ít nhất 5 phút đọc lại bài để rà soát những lỗi chính tả, những sai sót nhầm lẫn về thời gian, tên nhân vật hay địa danh...
Còn với những thí sinh có nguyện vọng vào các trường “top cao”: Các bạn phải đảm bảo bài làm của mình hoàn thiện, dường như không có sai sót. Ngoài đảm bảo những nội dung trên bạn cần ôn luyện nhuần nhuyễn các dạng đề.
Cô Mơ cho hay: “Xu hướng ra đề hiện nay của Bộ là chú ý đến dạng đề mở để kiểm tra thái độ, đánh giá quan điểm, chính kiến của thí sinh về nhân vật, sự kiện, biến cố lịch sử. Trên cơ sở hiểu rõ bản chất sự kiện, khi đưa ra quan điểm của mình, các bạn cần có lập luận chặt chẽ, thuyết phục cũng như những dẫn chứng xác đáng để bảo vệ quan điểm ấy. Việc đưa ra đánh giá cũng phải đặt trong bối cảnh lịch sử lúc đó để đảm bảo tính khách quan.
Các bạn cũng nên quan tâm những câu hỏi liên hệ đến vấn đề thời sự hiện nay như vấn đề phát huy vai trò của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, vận dụng nguyên tắc hoạt động của Liên hợp quốc trong việc giải quyết những tranh chấp về chủ quyền biển đảo, phát huy vai trò của Việt Nam trong việc bảo vệ hòa bình, an ninh ở khu vực Đông Nam Á, vấn đề hạt nhân và nguy cơ đe dọa hòa bình thế giới hiện nay”./.
Kỳ thi THPT Quốc gia 2016: Rất ít học sinh chọn thi môn Lịch sử
Kỳ thi THPT Quốc gia 2016: Nhiều học sinh “né” môn Lịch sử
Làm sao để học tốt và yêu thích môn Lịch sử