Lời dẫn:Từ nhiều năm nay, Tây Nguyên được coi là một trong những nơi thiếu nguồn nhân lực có chất lượng.
Chính vì vậy, Tây Nguyên đã được Đảng và Nhà nước rất quan tâm, bằng những chủ trương, chính sách cụ thể trong đào tạo giáo dục bậc đại học; nhằm bổ sung nguồn lao động chất lượng cao để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, việc mở trường, mở ngành, liên kết đào tạo đại học-cao đẳng tràn lan, dễ dãi trong tuyển sinh; với mục đích thu hút thật nhiều sinh viên vào học mà không quan tâm đến chất lượng đào tạo và nhu cầu nguồn nhân lực ở địa phương đã trở thành vấn đề báo động.
Trong khi đó, thực trạng học theo phong trào, học để đối phó chứ không có định hướng học để nâng cao kiến thức đang tiếp tục đưa đẩy hàng ngàn, hàng vạn sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng ở đây không biết đi đâu, về đâu.
Quán cà phê Biệt Điện ở cạnh Quảng trường 10 – 3, trung tâm TP Buôn Ma Thuột luôn đông khách.
Nam nữ nhân viên chạy bàn ở đây, ai cũng dáng vẻ thư sinh, nhưng trên những khuôn mặt ấy đều hằn lên nỗi lo toan, vất vả.
Nhiều sinh viên ra trường thất nghiệp, bám trụ lại thành phố Buôn Ma Thuột để làm thuê mưu sinh bằng nhiều nghề
Hơn 1 năm làm việc ở đây, Nguyễn Thị Thảo (ở xã Krông Buk, huyện Krông Pách) - cựu sinh viên Cao đẳng Sư phạm Đắc Lắc giờ đã trở thành nhân viên chính.Dù chạy bàn cả ngày, nhưng thu nhập hàng tháng không quá 2,5 triệu đồng. Ra trường đã 2 năm rồi, nhưng giấc mơ trở thành cô giáo môn sinh - hóa của Thảo vẫn còn xa vời lắm.
Tâm sự về cuộc sống, Thảo cho biết: “Bây giờ chưa có việc làm, về nhà thì chẳng biết làm gì, nên đành bám lại thành phố để kiếm sống qua ngày. Chạy bàn từ sáng đến tối, nhưng mỗi ngày chỉ được mấy chục ngàn, trong khi đó phải thuê phòng trọ mỗi tháng hết 700.000 đồng”.
Em Nguyễn Thị Kim Hồng (ở TP Buôn Ma Thuột) - tốt nghiệp ngành Chăn nuôi - Thú y Đại học Tây Nguyên. Ra trường năm 2012 đến nay, Hồng đã 8 lần nộp hồ sơ đến các cơ quan, đơn vị, công ty nhưng đều không có hồi âm.
Để chờ cơ hội xin được việc lâu dài, Hồng tự xoay xở làm thêm ở nhiều nơi và bây giờ là phụ giúp một cửa hàng buôn bán quần áo.
Cử nhân Nguyễn Thị Kim Hồng tốt nghiệp ngành Chăn nuôi – Thú y (ĐH Tây Nguyên) đã 2 năm mà chưa kiếm được việc làm
“Những tưởng học ngành nông lâm – thú y là phù hợp với Tây Nguyên, nhưng tôi vẫn không xin được việc. Các công ty chỉ tuyển nhân viên nam. Ra trường cũng đã 2 năm rồi mà chưa xin được việc nên tôi thấy quá lãng phí công sức bố mẹ đầu tư ăn học, lãng phí kiến thức mình đã học” – Hồng tâm sự.Không chỉ ở Đắc Lắc mà tại tỉnh Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum và Đắc Nông cũng vậy. Sinh viên ra trường thiếu việc làm đang trở thành phổ biến.
Ở TP Buôn Ma Thuột, Đà Lạt hay Pleiku, nhiều sinh viên thất nghiệp đã đành; nhưng ở các huyện miền núi, vùng cao như: Đức Trọng, Đơn Dương (Lâm Đồng); An Khê, Chư Pả, Azunpa (Gia Lai), Cư Jut, Đắc Min (Đắc Nông… năm nào cũng có hàng trăm sinh viên tốt nghiệp ĐH-CĐ rồi thất nghiệp.
Tại xã Gung Ré, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, ai cũng biết K’Đường, dân tộc Kơ-ho ở buôn K’Ming nổi tiếng vì học giỏi.
Cách đây 5 năm, Đường tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm TP HCM. Những tưởng, tấm bằng cử nhân loại giỏi của anh có một chỗ làm xứng đáng. Nhưng cầm hồ sơ gõ cửa gần chục cơ quan, đơn vị trong tỉnh để xin việc làm mà chẳng được nơi nào.
Cử nhân sư phạm Ngữ văn K’Đường (dân tộc K’Ho) ở “Làng đại học” K’ming, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng trở về với nương rẫy vì 5 năm ra trường không tìm được việc làm
Chán nản, Đường ở nhà làm ruộng, trồng cà phê. Giấc mơ làm thầy giáo của K’Đường cứ thế, bị vùi dần vào nương rẫy.Càng thất vọng hơn, khi người em trai kế của anh là K’Gúi, suốt mấy năm trời cả gia đình phải gồng mình để hy vọng cho em thoát khỏi “cái ao làng”.
Vậy mà cho đến nay, em trai K’Đường lại rơi vào cùng cảnh ngộ. Đã 3 năm rồi, bằng tốt nghiệp loại giỏi Trường Đại học Kiến trúc TP HCM của K’Gúi vẫn lay lắt trong mấy bộ hồ sơ.
Kể chuyện học hành, công việc của mình, lòng K’Đường vẫn còn đầy trĩu nặng: “Hiện tại, mình ở nhà làm nông phụ giúp ba mẹ. Mình không có việc làm, nên các em thấy vậy cũng nghỉ học. Học để làm gì, khi không việc làm!”.
Ở buôn K’Ming, không chỉ có anh em K’Đường, K’Gúi. Hiện nay, gần 50 sinh viên trong buôn đã tốt nghiệp ĐH-CĐ không tìm được việc làm. Thế nên, phong trào học tập ở K’Ming- nơi từng được mệnh danh là “Làng đại học” và cũng là niềm tự hào của người K’Ho ở Lâm Đồng- vài năm nay đang chùng xuống.
Thậm chí, nhiều hộ gia đình vì phải lo chuyện con cái học hành mà đang trở thành những gánh nặng nợ nần.
Vì cuộc sống mưu sinh, một số sinh viên sau khi tốt nghiệp đã xuống TP HCM xin làm công nhân tại các khu công nghiệp. Nhiều người khác đành chấp nhận quay về với nương rẫy, buôn làng.
Cho đến thời điểm này, cả khu vực Tây Nguyên có gần 15.000 sinh viên ĐH-CĐ có hộ khẩu trên địa bàn đang thất nghiệp. Bởi vậy, để có cơ hội tìm một việc làm ổn định, nhiều sinh viên đang tìm mọi cách để tá túc ở TP Buôn Ma Thuột, Đà Lạt hoặc Pleiku và chấp nhận làm đủ mọi ngành nghề để kiếm sống; từ gia sư, phụ bán hàng cho đến phục vụ các quán cà phê, nhà hàng hay bảo vệ… với những đồng lương hết sức rẻ mạt.
Một trong nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng đáng buồn này là do sinh viên học theo phong trào, học không có định hướng, trong khi các trường đua nhau mở ngành, mở lớp đào tạo tràn lan và quá dễ dãi trong việc chiêu sinh./.