Văn phòng Chính phủ vừa ra thông báo số 86/TB-VPCP về thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện quyết định về tín dụng đối với học sinh, sinh viên.

Phó Thủ tướng nhận định, sau 5 năm thực hiện, chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên đã trở thành một chương trình có ý nghĩa về kinh tế, chính trị và xã hội sâu sắc, phù hợp với nguyện vọng của nhiều gia đình học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và tạo được sự đồng thuận cao của các ngành, các cấp và cộng đồng xã hội.

Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, sau 5 năm, tổng nguồn vốn dành cho chương trình đạt trên 36.000 tỷ đồng, đã đáp ứng kịp thời như cầu của học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Đã có hơn 3 triệu lượt học sinh được vay vốn, với doanh số cho vay đạt trên 43.000 tỷ đồng. Tính đến 31/12/2012, có gần 1,9 triệu hộ gia đình để cho trên 2,3 triệu em đi học, với dư nợ đạt gần 36.000 tỷ đồng. Việc cho vay đã đảm bảo đúng đối tượng.

Để công tác này thực hiện tốt hơn nữa trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất nâng mức cho vay đối với học sinh, sinh viên đảm bảo đủ để các em trang trải học phí và hỗ trợ một phần chi phí sinh hoạt ở mức hợp lý trên cơ sở lộ trình tăng học phí đã được Chính phủ phê duyệt, có sự khác nhau theo học phí của các chương trình đào tạo.

Phó Thủ tướng yêu cầu: trên cơ sở cân đối khả năng đáp ứng từ ngân sách, Bộ Tài chính cùng với các đơn vị trên rà soát, nghiên cứu, đề xuất chính sách cụ thể về cho vay đối với hộ gia đình gặp khó khăn do có từ 2 con trở lên đang theo học tại các trường, cơ sở đào tạo mà hiện nay chưa thuộc đối tượng được vay vốn.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Chính sách xã hội nghiên cứu, gia hạn nợ thêm đối với các trường hợp học sinh, sinh viên đã tốt nghiệp nhưng gặp khó khăn về việc làm chưa trả được nợ./.