Năm 2017, ngành Giáo dục-Đào tạo có nhiều sự kiện được xã hội quan tâm. Báo Điện tử VOV bình chọn 10 sự kiện giáo dục và đào tạo được người dân quan tâm nhiều nhất.
1- Đời sống giáo viên làm “nóng” nhiều diễn đàn
Năm 2017, vấn đề về chế độ, đời sống giáo viên được đề cập nhiều trên các diễn đàn, trang báo.
Tăng lương cho giáo viên là một trong những vấn đề "nóng" của ngành Giáo dục trong năm 2017 (ảnh minh họa) |
Giữa tháng 5/2017, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ sẽ triển khai thí điểm không còn công chức, viên chức trong giáo viên mà sẽ theo chế độ hợp đồng "có vào - có ra", có chế độ đãi ngộ lớn. Lĩnh vực đào tạo sẽ theo hướng thị trường lao động, tăng cường chất lượng. Tuy nhiên, việc này chưa làm ngay được mà phải có lộ trình.
Trong năm 2017, câu chuyện cô giáo mầm non Trương Thị Lan ở huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh sau 37 năm dạy học đã bật khóc không thành tiếng khi cầm quyết định nghỉ hưu với mức lương 1,3 triệu đồng/tháng, khiến cả tập thể giáo viên khóc theo cũng là vấn đề khiến xã hội quan tâm.
Trước sự đổi mới chất lượng giáo dục, giáo viên đóng vai trò hết sức quan trọng. Vì thế, cuối năm 2017, Bộ GD-ĐT đã trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục hiện hành với thay đổi đáng chú ý như lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp.
2- Chưa bao giờ điểm đầu vào ngành Sư phạm lại thấp đến như vậy
Sau khi có 100.000 thí sinh trúng tuyển từ chối vào ĐH thì kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 đánh dấu sự thất bại của các trường Sư phạm khi thí sinh chỉ cần 9 điểm là đỗ CĐ, 15 điểm là có thể học trình độ ĐH.
Chỉ với 3 điểm/môn, thí sinh có thể vào học tại trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh |
GS.TS Đinh Quang Báo, Viện trưởng Viện Sư phạm, ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, nếu các trường sư phạm tuyển sinh “đầu vào” thấp thì sẽ là một hệ lụy khiến chất lượng giáo viên thấp và kéo theo chất lượng giáo dục phổ thông thấp. Như vậy, kinh tế đất nước sẽ không phát triển được.
3- Thí sinh 30 điểm chưa chắc đỗ đại học
Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 với nhiều điểm mới đã diễn ra suôn sẻ. Đây là năm đầu tiên, các Sở GD-ĐT trực tiếp chủ trì kỳ thi “2 trong 1”, lấy kết quả của kỳ thi này để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.
5 tỉnh, thành có số thí sinh đạt điểm thi khối B từ 29,25 trở lên nhiều nhất. (số liệu phân tích từ dữ liệu điểm thi của Bộ GD-ĐT) |
Tuy nhiên, đằng sau thành công của kỳ thi thì vẫn còn những câu hỏi còn bỏ ngỏ như có hơn 4.000 điểm 10 khiến dư luận hoài nghi là do đề thi dễ hay là do đề thi còn lỏng lẻo.
Vì đâu mà có tình trạng thí sinh đạt 28, 29 và 30 điểm vẫn chưa cầm chắc “tấm vé” đỗ ĐH. Trước bất cập này, nhiều thí sinh, chuyên gia giáo dục đề xuất với ngành Giáo dục cần điều chỉnh lại điểm ưu tiên.
4- Bộ GD-ĐT dự kiến bỏ “lệnh cấm” thi tuyển vào lớp 6
Bên cạnh việc đề xuất miễn học phí cấp THCS như trong dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục thì trong năm 2017, Bộ GD-ĐT còn công bố Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT ban hành kèm theo Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18/4/2014.
Bộ GD-ĐT dự kiến bỏ “lệnh cấm” thi tuyển vào lớp 6 (ảnh minh họa: Người lao động) |
Một điều đáng chú ý là dự thảo bổ sung: “Tuyển sinh THCS theo phương thức xét tuyển. Trường hợp cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh, Sở GD-ĐT hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh”.
Theo các trường THCS, việc tuyển sinh dựa trên học bạ có thể không chính xác. Điều đó được thể hiện khi việc kiểm tra kiến thức đầu năm học lớp 6, nhiều học sinh có học bạ đẹp nhưng kiến thức thực sự không như vậy. Mặt khác, có một số trường lại cho rằng, việc đánh giá kết quả học ở các trường Tiểu học rất khác nhau. Vì vậy, với việc bổ sung quy định trên, lãnh đạo nhiều trường THCS đã bày tỏ vui mừng vì có thể chọn lựa được học sinh giỏi vào trường.
Tuy nhiên, cách thức kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh như thế nào để hạn chế tình trạng “học thêm, dạy thêm” tràn lan và các trường THCS có số lượng thí sinh đăng ký đông vẫn tuyển chọn được học sinh một cách khoa học, thực chất lại là điều mà ngành Giáo dục và các trường vẫn còn đang loay hoay tìm lời giải.
5- Thông qua chương trình giáo dục phổ thông tổng thể
Cuối tháng 7/2017, Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã chính thức thông qua Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.
Chương trình giáo dục phổ thông được chia thành hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).
Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được thông qua với nhiều điểm mới (ảnh: Tuổi trẻ) |
Hệ thống môn học và hoạt động giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông gồm các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, các môn học tự chọn.
Thời gian thực học trong một năm học tương đương 35 tuần. Các cơ sở giáo dục có thể tổ chức dạy học 1 buổi/ngày hoặc 2 buổi/ngày. Cơ sở giáo dục tổ chức dạy học 1 buổi/ngày và 2 buổi/ngày đều phải thực hiện nội dung giáo dục bắt buộc chung thống nhất đối với tất cả cơ sở giáo dục trong cả nước.
6- Lùi thời gian thực hiện sách giáo khoa mới
Với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông.
Theo đó, thời hạn áp dụng chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới theo hình thức cuốn chiếu sẽ được thực hiện chậm nhất từ năm học 2020 - 2021 đối với cấp tiểu học, từ năm học 2021 - 2022 đối với cấp trung học cơ sở và từ năm học 2022 - 2023 đối với cấp trung học phổ thông.
Việc triển khai giảng dạy chương trình, SGK mới được kéo dài thêm 2 năm nữa (ảnh minh họa) |
Trước đó, theo Nghị quyết 88 ngày 28/11/2014 của Quốc hội, từ năm học 2018 - 2019, bắt đầu triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và SGK mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Tuy nhiên, do chưa chuẩn bị kịp đầy đủ mọi điều kiện nên Chính phủ đã có tờ trình đề nghị lùi lộ trình triển khai thực hiện.
Như vậy, với quyết định của Quốc hội, việc triển khai giảng dạy chương trình, SGK mới được kéo dài thêm 2 năm nữa.
7- "12.000 tỷ đồng đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ" liệu có hiệu quả?
Đầu tháng 11/2017, Bộ GD-ĐT công bố Dự thảo nâng cao năng lực 9.000 giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục có trình độ tiến sĩ với tổng kinh phí là 12.000 tỷ đồng đã khiến dư luận băn khoăn.
Dự kiến, ngành Giáo dục sẽ đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ với kinh phí 12.000 tỷ đồng (ảnh minh họa) |
Đó là cả nước đã đào tạo hơn 24.000 tiến sĩ nhưng trong lĩnh vực giáo dục ĐH thì số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ ở nước ta hiện là 16.541, mới chỉ đạt 22,68% tổng số giảng viên, vẫn thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực.
Như vậy là có khoảng 9.000 tiến sĩ đang hoạt động, làm việc ở các đơn vị ngoài ngành Giáo dục và đây liệu có phải là sự lãng phí quá lớn khi họ không tham gia trực tiếp vào công tác giảng dạy.
Ngoài ra, dư luận cũng băn khoăn về hiệu quả của việc Bộ GD-ĐT cấp kinh phí cho các trường ĐH đào tạo 9.000 tiến sĩ, làm sao để khi các nghiên cứu sinh được cử đi đào tạo ở nước ngoài trở về nước làm việc.
8- Sẽ không phân biệt bằng đại học chính quy và tại chức?
Đó là một trong những điểm mới được đề cập tại khoản 2, Điều 6 dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH.
Tuy nhiên, người dân đã bày tỏ việc không phân biệt bằng ĐH chính quy và tại chức sẽ khó nhận biết được năng lực thực sự của người học. Bởi hiện nay, việc đào tạo tại chức chưa thực sự hiệu quả, nhiều người đi học vì tấm bằng để thăng tiến trong công việc, chứ không phải là bổ sung thêm kiến thức.
Dự kiến sẽ không còn 2 loại văn bằng đại học với tên gọi riêng biệt là bằng chính quy, Tại chức (ảnh minh họa) |
Ngoài ra, dự thảo còn đề cập tới việc cho phép các cơ sở giáo dục ĐH được thành lập doanh nghiệp, công ty. Mục đích là nhằm thúc đẩy nghiên cứu khoa học ứng dụng vào thực tế là chính chứ không phải kinh doanh.
Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH còn đưa ra quy định sẽ xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo ngành.
Việc đưa ra quy định xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo ngành với mục đích nêu cao vai trò trách nhiệm của trường học khi mở một ngành nào đó thì phải nâng cao từ cơ sở vật chất cho đến giảng viên. Mô hình tuyển sinh sẽ phụ thuộc vào khả năng đầu tư vào nhà trường để đảm bảo chất lượng đào tạo. Điều này cũng tránh tình trạng tuyển sinh chỉ phụ thuộc vào nhu cầu của người học mà không chú trọng đến sự đầu tư của trường học.
9- Nhiều vụ bạo lực học đường gây bức xúc
Năm 2017, bạo lực học đường vẫn là vấn đề nhức nhối của ngành giáo dục và xã hội.
Trên mạng xã hội xuất hiện hàng loạt clip dài khoảng gần 2 phút ghi lại cảnh một nhóm học sinh đánh hội đồng một nữ sinh ngay trên bục giảng. Sự việc trên xảy ra tại trường THCS Trường Yên (huyện Chương Mỹ, Hà Nội).
Clip ghi lại cảnh đau lòng khi nhóm học sinh giật tóc, dùng chân đạp vào đầu, giẫm đạp lên người nạn nhân. Thậm chí, ở phần cuối clip nhóm học sinh trên còn xé áo bạn cùng lớp.
Hành động dùng bình nhựa xanh đánh vào đầu một bé gái của cô giáo ở cơ sở mẫu giáo Mầm Xanh (ảnh cắt từ clip) |
Ngoài ra, người dân đã rất bức xúc vì ngay tại thủ đô Hà Nội, giáo viên mầm non nhóm lớp tư thục Sen Vàng (phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã dùng dép đánh vào đầu và thúc đầu gối vào bụng trẻ.
Đặc biệt, vụ bảo mẫu của cơ sở Mầm Xanh, TP HCM, bạo hành trẻ được xem là nghiêm trọng khi bảo mẫu dùng tay chân, can nhựa, chổi lau nhà, thậm chí cả dao, hành hạ trẻ mầm non ở TP HCM cũng khiến dư luận bức xúc. Những người liên quan có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự.
10- Lần đầu tiên, Việt Nam giành 4 HCV Olympic Toán quốc tế
Năm 2017 là năm giành thắng lợi của học sinh Việt Nam trên đấu trường quốc tế. Đây là năm đầu tiên, Việt Nam giành 4 HCV Olympic Toán học quốc tế và có kết quả cao nhất trong lịch sử 43 năm Việt Nam tham dự Olympic Toán học quốc tế.
|
6 thí sinh đội tuyển quốc gia Việt Nam đều giành huy chương tại kỳ thi Olympic toán học quốc tế 2017. |
Ngoài ra, trong năm, học sinh Việt Nam còn giành được 3 HCV Olympic Vật lý quốc tế, 4 HCV Olympic Hóa học quốc tế cùng nhiều huy chương bạc, đồng khác./.