Sáng 31/3, ĐHQG Hà Nội tổ chức hội thảo “Giáo dục phòng chống tham nhũng: Triển vọng trên thế giới và Việt Nam”. Tham dự có đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổ chức Minh bạch Quốc tế và các chuyên gia của Việt Nam và Đức.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, nhiều nước trong khu vực và trên thế giới đã đưa nội dung phòng chống tham nhũng vào giáo dục trong nhà trường như: Thụy Điển, Trung Quốc, Singapore… Tuy nhiên, với hệ thống giáo dục Việt Nam, công tác này lại chưa được quan tâm đúng mức.

Nhiều đại biểu cho rằng, việc giáo dục phòng, chống tham nhũng phải tiến hành khẩn trương và đảm bảo chất lượng, phù hợp với từng đối tượng. Cần đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục quốc dân ở mọi cấp; lồng ghép kiến thức phòng, chống tham nhũng trong các bộ môn liên quan, nhất là các bộ môn khoa học xã hội và nhân văn… Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức và nhân dân về phòng, chống tham nhũng là một trong những biện pháp phòng ngừa hết sức quan trọng.

GS. TS Nguyễn Đăng Dung, Chủ nhiệm bộ môn Luật hành chính – Hiến pháp, Khoa Luật, ĐHQG Hà Nội nêu ý kiến: Cần phải có chủ trương, đường lối chuyển tải vào chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo; đưa chương trình cụ thể về phòng, chống tham nhũng giảng dạy tại các cấp học, kể cả các khoá đào tạo chuyên sâu./.