Tiến sĩ Hoàng Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, hiện nay cả nước có khoảng 250.000 doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế ngoài Nhà nước và hơn 2.200 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Số công nhân lao động làm việc tại các doanh nghiệp khu vực kinh tế ngoài Nhà nước chiếm khoảng 67,5%. Công nhân lao động làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 12,5% tổng số công nhân lao động cả nước.

laodong1.jpg

Phát biểu tại Hội nghị Sơ kết 2 năm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật  trong CNLĐ khu vực kinh tế ngoài Nhà nước, TS Hoàng Ngọc Thanh nhấn mạnh cần đổi mới hoạt động tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho CNLĐ.

Việc tăng cường tuyên truyền giáo dục pháp luật cho công nhân ở khu vực kinh tế ngoài Nhà nước trong những năm qua không ngừng được quan tâm, đặc biệt là các hoạt động của tổ chức Công đoàn, đã góp phần nâng cao nhận thức cho CNVCLĐ về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; động viên CNVCLĐ tích cực thi đua lao động sản xuất, công tác.

Đặc biệt, từ khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người lao động và người sử dụng lào động trong các loại hình doanh nghiệp giai đoạn 2009-2012, nhiều nội dung đã được nghiên cứu và đổi mới hình thức trong công tác giáo dục, tạo sự chuyển biến rõ rệt về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật nói chung và pháp luật lao động nói riêng đối với người lao động tại các doanh nghiệp.

Tuy vậy, với điều kiện là phần lớn công nhân đến từ nông thôn, người ngoài tỉnh, là lao động phổ thông, trình độ văn hoá, tay nghề còn thấp và hầu hết chưa qua các khoá học đào tạo bài bản nên tác phong công nghiệp, ý thức kỷ luật, văn hoá ứng xử còn nhiều hạn chế.

Bên cạnh đó, việc làm, thu nhập của công nhân lao động còn rất khó khăn trong khi giá cả leo thang; điều kiện an toàn, vệ sinh lao động không đảm bảo dẫn đến nhiều vấn đề bức xúc. Thậm chí, đến nay có gần 40% công nhân lao động chưa được tham gia BHXH bắt buộc, trong đó công nhân lao động khu vực kinh tế ngoài Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm gần 60%.

Tình trạng trên một phần nào lý giải vì sao số vụ đình công liên tục tăng, chủ yếu ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (hơn 80%). Theo TS Hoàng Ngọc Thanh, đây là yếu tố dễ bị kẻ xấu kích động, gây mất ổn định, ảnh hưởng môi trường đầu tư, phát triển kinh tế xã hội đất nước.

Doanh nghiệp thờ ơ, công nhân hững hờ

Bà Phạm Thị Kim Thanh (Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai) chia sẻ, công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, đặc biệt là Luật lao động cho công nhân còn gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có cả yếu tố khách quan và chủ quan, đặc biệt nhận thức của cả doanh nghiệp và công nhân vẫn còn thấp.

Bà Thanh kể, để tổ chức một buổi tuyên truyền cho công nhân, trước hết phải thuyết phục được doanh nghiệp đồng ý hợp tác. Nhưng khi đã có sự hợp tác nhưng nhiều khi “xôi hỏng bỏng không” khi công nhân không buồn nghe và bỏ về.

Sở dĩ có tình trạng trên một phần là ý thức, song một yếu tố khác cũng góp phần quan trọng không kém là chúng ta chưa có những hình thức hỗ trợ, kích lệ thích hợp cho người lao động. “Họ không có nhiều thời gian để ngồi nghe trong khi đến miếng bánh, ly nước hay hỗ trợ năm, mười nghìn cũng không có”, bà Thanh cho biết.

Người lao động cần chủ động tiếp cận các trợ giúp về pháp luật, đặc biệt là Luật lao động (Ảnh:internet)

Chia sẻ quan điểm trên, bà Vũ Thị Hương, cán bộ tư vấn pháp luật Công đoàn Thủ đô cho biết, các doanh nghiệp nhiều khi không tạo điều kiện để tổ chức các buổi tuyên truyền và tư vấn lưu động. Mặt khác, công nhân lao động do sức ép công việc, thời gian làm việc dài, không có phương tiện đi lại, trình độ nhận thức thấp nên không có điều kiện tiếp cận hoặc không muốn tiếp cận các dịch vụ pháp lý.

Việc thiếu kinh phí cũng được nhiều ý kiến nêu lên khi cho rằng, nguồn kinh phí dành cho công tác tư vấn pháp luật, tuyên truyền chưa hợp lý, khi tổ chức tuyên truyền không có tài liệu hay không có tiền để hỗ trợ nhằm khuyến khích công nhân tham gia.

Thực tế cho thấy, các khu công nghiệp ngày càng phát triển nhanh đòi hỏi nhu cầu về lao động tập trung cao. Điều này cũng dẫn đến những vấn đề về an ninh trật tự xã hội, vệ sinh môi trường… Trong khi đó, trình độ hiểu biết về pháp luật của công nhân không đồng đều. Do vậy, công tác giáo dục pháp luật đóng vai trò hết sức quan trọng. Tuy nhiên, những cái khó vẫn hiện hữu, dù các cấp công đoàn đã có sự nỗ lực rất lớn!./.