Mỗi khi năm hết, Tết đến là hoạt động vận tải lại sôi động với câu chuyện vé xe Tết. Sau cơn sốt vé tàu là đến cơn sốt vé xe, khi mà ai cũng muốn có được tấm vé về quê sau một năm lao động vất vả. Do nhu cầu đi xe chất lượng cao, xe giường nằm của một số hãng lớn đi về các tỉnh miền Trung, miền Bắc là rất lớn nên đã xảy ra tình trạng “khan hiếm”.
Theo quy định, giá vé của các doanh nghiệp vận tải tăng cao nhất trong dịp Tết này là 60% so với giá vé ngày thường, nhưng nhiều hãng xe đã có nhiều cách để có thể lách quy định trên. Và người dân lại là người phải gánh chịu khi họ phải trả những cái giá “trên trời” để có được tấm vé.
Cò vé lộng hành
Ngày 11/1, chúng tôi đến Bến xe miền Đông để tìm mua vé về Quảng Ngãi, thì gần như tất cả những hãng xe lớn nhỏ đều trưng biển “Hết vé”, chủ yếu là từ 20 Tết đến 28 Tết, có hãng xe lớn, có uy tín như Mai Linh, Chín Nghĩa… thì “hết vé” từ ngày 14 Tết trở đi.
Tuy trưng lên là thế, nhưng tại các quầy này luôn có người tới hỏi mua theo kiểu cầu may hoặc là nhờ chỉ dẫn của các nhân viên để có được tấm vé bằng nhiều đường khác nhau, mà thường nhất là con đường “còn vé người nhà chia lại” với giá cao hơn mức mà các nhà xe đã công khai niêm yết theo quy định.
Rất nhiều khách hàng vừa thất vọng quay lưng khỏi quầy vì không mua được vé, thì ngay lập tức có ngay đội ngũ “cò” vé hỏi thăm. Và gần như tất cả những nhu cầu của hành khách đều có thể được đội ngũ cò này thu xếp ổn thỏa. Điều này đã làm bức xúc rất nhiều hành khách bởi theo họ, gần như việc trưng bảng bán vé hay kế hoạch bán vé xe của các hãng xe chỉ có giá trị tham khảo.
Nhiều người ra từ sáng sớm, đúng ngày đầu thông báo bán vé nhưng đều nhận được thông báo hết vé các ngày cao điểm, khoảng từ 23 đến 28 Tết. Còn lượng vé vào các ngày cao điểm đó đi đâu, vào tay ai, có lẽ ai cũng biết, đó là chiêu trò của các nhà xe để có thể lách luật, bán vé tới tay khách hàng với giá cao hơn nhiều với cái giá đã tăng 60% so với giá niêm yết ngày thường.
Để có được tấm vé đi Quảng Ngãi với giá niêm yết cho ngày 27 Tết là 420.000 đồng, thì nhiều người đã phải bỏ ra số tiền lên đến 700.000-800.000 đồng, thậm chí là 1 triệu đồng.
Anh Chế Ngọc Thạch, sinh viên trường Đại học Công nghiệp TPHCM, quê Quảng Ngãi nói: “Việc thông báo bán vé xe chỉ lấy lệ và chỉ trong những ngày nhất định, còn những ngày cao điểm thì lúc nào cũng trong tình trạng hết vé. Chưa bao giờ tôi mua được vé về Quảng Ngãi từ Bến xe miền Đông mà phải qua tay rất nhiều người và khi vé đến mình thì giá rất là cao. Theo tôi thì các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc để điều tra, lấy lại công bằng cho hành khách”.
Còn tại dọc theo các phòng vé các hãng xe chạy tuyến miền Trung như các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam ở trên đường Hồng Lạc, Bầu Cát… quận Tân Bình thì giá vé được các nhà xe liên kết với nhau thỏa thuận và ở mức từ 1,1 triệu - đến 1,3 triệu/xe nằm và trung bình từ 700.000 - 900.000 đồng cho ghế ngồi.
Sốt vé chỉ là “ảo”
Theo ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe miền Đông, thì ngày 12/1, Bến xe sẽ bắt đầu bán vé Tết cho 13 tuyến đi về miền Trung, miền Bắc. Ông Hải cam đoan vé xe Tết không thiếu và không quá sốt như mọi người tưởng.
Bến xe miền Đông sẽ bán vé của một số doanh nghiệp đã ủy thác cho bến bán và hành khách cần bao nhiêu bến xe sẽ bán bấy nhiêu, đáp ứng đủ nhu cầu, bởi bến xe có khả năng điều động xe tuyến này sang tuyến khác nếu có nhu cầu. Và Bến xe miền Đông cũng đã hợp đồng với hơn 100 xe bus để dự phòng, quyết tâm không để bất cứ hành khách nào không về quê được vì không có xe về. Còn vấn đề khan vé đi một số tuyến đi miền Bắc, miền Trung chỉ là khan hiếm vé của một số hãng xe chất lượng cao, xe giường nằm…
Về nạn giá vé bị đẩy giá quá cao, ông Hải cho biết Bến xe miền Đông không có quyền quyết định giá vé của các doanh nghiệp vận tải mà chỉ kiểm tra tình hình bán vé, kiểm tra giá vé mà doanh nghiệp niêm yết bán có đúng với nội dung đã cam kết là bán tăng cao nhất 60% so với giá ngày thường. Khi phát hiện có vi phạm thì bến xe sẽ lập biên bản và không cho bán vé nữa. Chính vì thế trong bến xe không có tình trạng doanh nghiệp bán vé giá cao như ở ngoài.
Tết Nguyên đán đang đến gần, những người dân xa quê ai ai cũng muốn có được tấm vé xe để đoàn tụ với gia đình sau một năm làm việc vất vả. Nhu cầu an toàn trên đường là nhu cầu chính đáng của hành khách, nhưng không phải vì thế mà phải lao theo con sốt ảo do các hãng xe tạo ra.
Các cơ quan chức năng cũng nên nhanh chóng vào cuộc để xử lý các hãng xe lợi dụng dịp tết để tăng giá vô tội vạ, làm các chiêu trò để rút tiền túi của người dân./.