Thời gian qua, tỉnh Bình Dương có nhiều y, bác sĩ bệnh viện công nghỉ việc hoặc chuyển qua bệnh viện tư. Trước thực tế đó, Bình Dương đã có nhiều giải pháp nhằm giữ nhân lực ngành y.
Áp lực khi thiếu nhân lực
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương đang tiếp nhận, điều trị cho hơn 1.500 bệnh nhân nội trú và khám trong ngày cho khoảng 2.000 người, cấp cứu từ 150-200 người. Bệnh nhân đông gây áp lực cho bệnh viện khi đội ngũ y, bác sĩ vốn đã thiếu nay còn xin nghỉ việc. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương đã có 96 bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh nộp đơn xin nghỉ, chiếm gần 30% trong tổng số 328 nhân viên y tế toàn tỉnh xin nghỉ việc.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội kiêm Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương cho biết, bác sĩ nghỉ việc hầu hết là những người có tay nghề, chuyên môn cao nên khó khăn trong việc triển khai các kỹ thuật cao. Để có nhân lực thay thế, bệnh viện phân công các bác sĩ có kinh nghiệm hướng dẫn bác sĩ mới, đồng thời tiếp tục tuyển dụng thêm nhân viên. Việc tuyển người không khó nhưng cái khó là làm sao giữ chân họ ở lại sau khi đã được trau dồi tay nghề. Đó cũng là vấn đề lãnh đạo bệnh viện đã kiến nghị với lãnh đạo tỉnh Bình Dương.
“Bình Dương cần tạo điều kiện cho anh chị em đang công tác nâng cao tay nghề nhằm tạo thương hiệu tại chính bệnh viện, địa phương của mình. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho các bác sĩ được học thực hành chuyên môn để họ yên tâm công tác. Làm được điều này thì phải đầu tư trang thiết bị, phương tiện; cơ chế chi trả bồi dưỡng, phụ cấp cho các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế phải thay đổi chứ không sử dụng quy chế đã có hàng chục năm nay”, ông Hiếu nói.
Việc thiếu nhân viên y tế không chỉ ở bệnh viện tuyến tỉnh mà ở tất cả các bệnh viện công của Bình Dương, ảnh hưởng không nhỏ đến việc chăm sóc sức khỏe cho người dân. Điều này không chỉ thấy qua số nhân viên y tế nghỉ việc mà còn qua tỉ lệ bác sĩ trên vạn dân ở Bình Dương chỉ đạt 7,5 trong khi tỉ lệ của cả nước là trên 10,3 bác sĩ.
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương thừa nhận, đợt dịch COVID-19 vừa qua Bình Dương lộ rõ hạn chế trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là thiếu nhân lực nên phải nhờ sự chi viện của các tỉnh, thành. Bộ Y tế cũng đánh giá, Bình Dương phát triển kinh tế tốt nhưng chỉ số về phát triển y tế còn thấp, đứng ở tốp cuối. Vấn đề này lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã thấy và cũng đang tìm các giải pháp nâng cao chất lượng ngành y tế.
“Ngay trong văn kiện Đại hội tỉnh Đảng bộ cũng đã xác định cũng đã xác định cái cần cải thiện ngành y tế nhưng khi đại hội xong thì 2 năm nay dịch diễn ra và lo chống dịch nên chưa xây dựng Đề án. Đề án đã có các giải pháp để làm sao ngành Y tế phát triển, để làm sao chăm sóc sức khỏe người dân một cách tốt nhất”, ông Minh nói.
Nhiều giải pháp thu hút nhân lực y tế
Theo Sở Y tế tỉnh Bình Dương, hiện nay Bình Dương đang cần bổ sung khoảng 780 y, bác sĩ. Dự báo quy mô dân số Bình Dương sẽ tăng từ khoảng 2,7 triệu người hiện nay lên trên 3,5 triệu người vào năm 2030, đồng nghĩa với việc tỉnh này sẽ cần hơn 1.900 y, bác sĩ nữa, tức là gấp đôi số bác sĩ hiện có theo quy định của Bộ Y tế.
Giải pháp trước mắt, Bình Dương sẽ tiếp tục liên kết với các trường đại học trong cả nước đào tạo y, bác sĩ cho tỉnh. Ngành cũng đặt hàng trường Cao đẳng Y tế Bình Dương đào tạo đội ngũ điều dưỡng, hộ sinh để bảo đảm nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục áp dụng chính sách thu hút bác sĩ theo Nghị quyết số 05/2019 của HĐND tỉnh Bình Dương với mức hỗ trợ từ 400-600 triệu đồng/người tùy theo học vị, chuyên khoa.
Ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương cho biết, Bình Dương không chỉ cần bác sĩ mà còn thiếu nhiều điều dưỡng vì vậy Sở Y tế sẽ tiếp tục kiến nghị tỉnh có thêm chính sách thu hút.
“Chúng tôi sẽ kiến nghị để mở rộng đối tượng của Nghị quyết 05, ngoài lực lượng bác sĩ thì sẽ có đãi ngộ cho những lực lượng khác. Bên cạnh số tiền được nhận, cần phải có chính sách giữ chân họ, đặc biệt sắp tới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương đưa vào hoạt động với cơ sở hiện đại, nhiều trang thiết bị và làm được nhiều kỹ thuật đó sẽ là động lực cho y, bác sĩ về đây để phát triển tay nghề”, ông Chương cho biết.
Liên quan đến việc nâng cao chất lượng ngành Y tế, mới đây, Bình Dương đã tổ chức Hội thảo xây dựng Đề án phát triển tổng thể ngành y tế tỉnh Bình Dương đến năm 2030. Tại đây, đại biểu đến từ Bộ Y tế, các tỉnh, trường y, cơ sở y tế đưa ra nhiều giải pháp để Bình Dương bổ sung, giữ chân y, bác sĩ; đồng thời đổi mới trong việc chăm sóc sức khỏe cho nhân.
Các đại biểu cũng cho rằng, Bình Dương cần ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh để giảm nhân lực, cũng như thuận tiện cho người dân; phối hợp với các cơ sở y tế uy tín để mở phân hiệu tại Bình Dương, làm nền tảng để hình thành trường đại học y của tỉnh. Địa phương nên có thêm các chính sách ưu đãi cho nhân viên y tế để họ yên tâm gắn bó với nghề.
Theo ông Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Bình Dương nên tận dụng lợi thế có hệ thống y tế tư nhân phát triển để cùng nhau chăm sóc sức khỏe cho nhân dân: “Bình Dương có hệ thống y tế tư nhân rất phát triển trên 50% điều này sẽ san sẻ gánh nặng lớn cho y tế công. Nếu Bình Dương tận dụng tốt sẽ nhanh chóng phủ được công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Để y tế tư nhân phát triển được, tỉnh Bình Dương cần có nhiều chính sách ưu đãi”.
Trong khi Bình Dương đang tìm các giải pháp bổ sung y, bác sĩ thì những những nhân viên y tế đang làm việc mong muốn chính quyền nhanh chóng có những chính sách ưu đãi để họ yên tâm gắn bó. Bởi, hiện nay do thiếu nhân lực, nhất là thiếu những người có chuyên môn nên khối lượng công việc của những y, bác sĩ hiện đang phải gánh rất nhiều. Trong khi đó, mức thu nhập chưa tương xứng khiến họ phải đắn đo suy nghĩ giữa việc đi hay ở./.