Theo Đại tá Bùi Hồng Tuấn, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Lào Cai, người trực tiếp tham gia chỉ huy giải cứu nạn nhân bị mắc kẹt trong hang đá tại Si Ma Cai (Lào Cai), hiện chỉ có duy nhất một phương án khả thi mà các lực lượng đang nỗ lực triển khai, đó là khẩn trương hút cạn nước trong hang, rồi mới tiếp tục các bước tiếp theo.
Vị trí miệng hang đá. |
Tính đến chiều ngày 6/6, sau nhiều cố gắng, các lực lượng mới hút được khoảng 7m nước tính từ cửa hang, xuống sâu gần 2m dưới mặt đất. “Trong trường hợp thời tiết tiếp tục ủng hộ, khả năng đêm nay có thể xuống được bằng mốc tối ngày 4/6 đã đạt được, tức vào khoảng 30m tính từ cửa hang và sâu 7m so với mặt đất”, Đại tá Tuấn cho biết.
Cũng theo Đại tá Bùi Hồng Tuấn, tận sâu trong hang đá có một mó nước khá lớn, thẩm thấu dồi dào toàn bộ nước từ trên đồi cao chảy xuống. Đây là nguồn cấp nước sản xuất và sinh hoạt cho người dân 2 thôn lân cận, nên tại đó có rất nhiều ống cắm máy bơm của bà con.
Suốt từ ngày 3/6 đến nay, các máy bơm công suất lớn không ngừng hút nước, cộng thêm các máy bơm nhỏ của bà con xung quanh vẫn khai thác đều đặn. Tuy nhiên, do lượng thẩm thấu lớn, nên nước rút khá chậm. Tối 4/6 trời lại đổ mưa lớn, làm nước trong hang dâng trở lại, mọi việc phải bắt tay từ đầu.
Đại tá Tuấn cho hay, do địa thế của hang thoải sâu dần xuống lòng đất, nên giờ đây cả hang biến thành một cái giếng sâu. Trước mắt, ngoài tập trung hút cạn nước thì tất cả các phương án như khoan, lặn tìm kiếm đều không khả thi.
Lực lượng cứu hộ đang nỗ lực tiếp cận vị trí nạn nhân bị mắc kẹt |
Nói giống với giải cứu đội bóng nhí của Thái Lan hồi tháng 6/2018 cũng không phải là quá, vì hang của Thái Lan là hang đi ngang, thợ lặn chuyên nghiệp có thể tác nghiệp được.
Tại hang đá ở Si Ma Cai, khó khăn trong công tác cứu hộ còn ở chỗ, mọi thông tin về hang này đều rất mù mờ, tất cả chỉ dựa trên lời kể của người dân địa phương. Họ cho biết, đi sâu vào cuối hang là một lối thắt eo nhỏ hẹp, đường kính chỉ khoảng 60cm. Lối này dẫn thẳng vào một khoang động có trần cao khoảng 5m, đây chính là vị trí mó nước mà bà con vẫn cắm ống khai thác hàng ngày.
“Giả sử đúng như người dân mô tả thì đỉnh trần của khoang động vẫn thấp hơn so với mực nước tràn ra ngoài miệng hang. Theo tính toán của chúng tôi không loại trừ khả năng trong khoang bị nước và đất cát lấp kín vì tối ngày 4/6 khi tiếp cận tới gần vị trí này, vì lối đi bị bịt kín, nên chúng tôi đã dùng gậy xuyên thử thì thấy bên trong cảm giác rất rắn, chứ không loãng hoặc tan ra. Tuy nhiên, dù thế nào chúng tôi cũng phải nỗ lực hết sức để tiếp cận bằng được nạn nhân sớm nhất”, Đại tá Tuấn khẳng định.
Theo phương án của lực lượng cứu hộ, sau khi hút cạn nước sẽ huy động máy nén khí để chạy khoan tay - loại khoan thường dùng trong các mỏ đá để phá tạo mở rộng lối thắt eo, nhằm tạo thuận lợi cho việc tiếp cận nạn nhân, cũng như giải phóng lượng đất đá vùi lấp.
Dòng ống bơm hút nước trong hang. |
Trước đó như VOV đã đưa tin, ngày 1/6, khi thấy trời mưa lớn, ông Giàng Seo Lử cùng người em họ là Giàng Seo Dùng rủ nhau xuống hang tháo máy bơm nước tưới ruộng cho khỏi hỏng. Khi xuống sâu, nước và đất đá từ trên đồi cao trút xuống bịt kín cửa hang, khiến ông Lử bị mắc kẹt, anh Dùng may mắn thoát được.
Nhận được thông tin, Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Lào Cai đã đến hiện trường, phối hợp với các lực lượng chức năng tại địa phương nỗ lực giải cứu nạn nhân bị mắc kẹt. Tuy nhiên, cho đến nay, công tác cứu nạn, cứu hộ vẫn chưa có kết quả./.Giải cứu nạn nhân ở Si Ma Cai: Phức tạp hơn giải cứu đội bóng nhí Thái Lan