Theo định mức, để quản lý 10.000 hecta rừng tại xã Ia Mơr, huyện Chư Prông, Ban quản lý Rừng phòng hộ Ia Meur cần có 17 nhân sự. Tuy nhiên, trong suốt nhiều năm qua, toàn đơn vị chỉ có 12 người. Làm việc bất kể ngày đêm ở địa bàn là điểm nóng về tình trạng vi phạm lâm luật của tỉnh, nhưng mức lương của cán bộ, nhân viên ở đây chỉ khoảng 5 đến 7 triệu đồng/ người/ tháng.

Ông Đinh Văn Khẩn - Trưởng ban quản lý Rừng phòng hộ Ia Meur, 1 trong số 5 người của ban, viết đơn xin nghỉ việc trong năm 2022, nhưng chưa được giải quyết, cho biết: “Công tác bảo vệ rừng hiện nay phức tạp, tại Ban quản lý rừng Ia Mơr lại càng phức tạp hơn, gần Thuỷ lợi Ia Mơr. Có 3 tuyến kênh chính xây dựng dọc hết trong rừng, còn người dân thấy thế thì muốn có đất sản xuất. 2 biên chế nghỉ rồi. Giờ mà nghỉ thì không có người làm".

Vất vả, lương thấp, nhân viên bảo vệ rừng còn thường xuyên phải đối diện với nguy hiểm. Ông Đinh Mạnh Phong - Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Sê cho biết, hiện nay, trung bình mỗi nhân viên có nhiệm vụ bảo vệ 1 tiểu khu, tương đương 1.000 hecta rừng. Rừng núi thường cách xa khu dân cư, địa hình cách trở. Lâm tặc sẵn sàng chống trả tấn công khi bị phát hiện, nhưng lực lượng bảo vệ rừng thường rơi vào thế yếu.

 “Một vài anh em bị lâm tặc hành hung, ảnh hưởng tới tâm lý làm việc. Quyền hạn của các ban quản lý rừng thấp lắm, chỉ có phát hiện rồi báo cáo. Như đơn vị của tôi, theo quy định thì trang phục, công cụ hỗ trợ thì lấy ở của đơn vị, nguồn thu thì rất ít, phải giật gấu vá vai", ông Đinh Mạnh Phong nói.

 Tại tỉnh Gia Lai hiện có 22 ban quản lý rừng, với gần 500 cán bộ, viên chức, so với định mức bảo vệ rừng thì còn thiếu trên 200 người. Người bảo vệ rừng đã thiếu, nhưng 2 năm qua, có trên 20 người đã chính thức nghỉ việc, hàng chục người khác có nguyện vọng tương tự. 

Ông Nguyễn Văn Hoan- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, ngành đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giữ chân lực lượng bảo vệ rừng, nhưng chủ yếu mang tính động viên và tình thế: “Trước mắt, chúng tôi động viên cán bộ công nhân viên yêu nghề, bám trụ để đảm bảo công tác quản lý, bảo vệ rừng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất luân chuyển cán bộ công tác ở vùng xa về gần hơn để giảm thời gian phải di chuyển xa, tạo điều kiện cho anh em tiếp cận những chính sách mới để anh em yên tâm công tác". 

Hiện nay, Sở NN&PTNT Gia Lai tiếp tục tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh kiến nghị trung ương xem xét, điều chỉnh chế độ đãi ngộ, cải thiện môi trường làm việc đối với lực lượng bảo vệ rừng./.