Theo tổng hợp từ Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Việt Nam chỉ còn 14 năm nữa là bước vào thời kỳ dân số già. Trong đó, dân số trung niên có độ tuổi từ 30- 44 chiếm hơn 28% tổng dân số cả nước hiện nay chính là nhóm sẽ bước vào giai đoạn này. Hiện tại, đây là nhóm có tỷ lệ tham gia lao động cao (gần 88%) nhưng cũng là nhóm có số lượng đang sống ở khu vực nông thôn cao (60%) hoặc tham gia việc làm phi chính thức lớn nên khó tiếp cận việc làm thoả đáng và việc qua đào tạo có chứng chỉ còn thấp,…

Khảo sát của Viện còn cho thấy, chỉ có 30% số người trong độ tuổi 30-44 có kế hoạch chuẩn bị cho cuộc sống về già. Số còn lại với những nguyên nhân khách quan như chưa đủ điều kiện kinh tế và quan trọng nhất vẫn là chưa sẵn sàng tâm thế đối với vấn đề này. Đó là những nguyên nhân có thể khiến cho nhóm trung niên này khi bước vào giai đoạn dân số già sẽ gặp phải những khó khăn nhất định. Bên cạnh đó, nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người cao tuổi cũng tăng nhanh nhưng hiện nguồn lực ở Việt Nam còn khiêm tốn, chưa đảm bảo an sinh của người dân.

PGS.TS Giang Thanh Long, đại diện Viện nghiên cứu Y- Xã hội học cho rằng, để nâng cao nhận thức và hành động đảm bảo thu nhập cho nhóm dân số trung niên khi về già, cần thực hiện nhiều chính sách. Đặc biệt ở 3 khía cạnh liên quan đến kinh tế bao gồm cải thiện chất lượng công việc, sức khoẻ, tham gia bảo hiểm xã hội, tích luỹ cho tương lai: “Việt Nam đã thực hiện những chính sách liên quan. Tuy nhiên trên thực tế thực hiện chưa như mong muốn, do hạn chế về cơ sở hạ tầng, nguồn lực. Do già hoá dân số là một quá trình không thể đảo ngược, chắc chắn sẽ xảy ra nên việc chuẩn bị như vậy cần thúc đẩy hơn nữa"./.