Từ nhiều năm nay, trong nhà gia đình ông Nguyễn Văn Thông, ở khu dân cư Bình Phước 1, phường Thuận Phước, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng luôn có 2 thùng đựng rác. Một thùng dùng để đựng các loại rác hữu cơ, phế phẩm thức ăn…thùng còn lại dùng để đựng các loại rác tái sử dụng như: chai lọ nhựa, lon bia, giấy loại... Hàng ngày, ông Thông bỏ rác phế phẩm vào thùng rác công cộng, còn chai lọ nhựa, vỏ lon bia, giấy loại.. nộp cho tổ dân phố.

Ông Nguyễn Văn Thông cho biết, ngoài góp phần bảo vệ môi trường, mỗi năm, Tổ dân phố của ông thu được hàng chục triệu đồng từ tiền bán rác dành hỗ trợ người nghèo, thăm gia đình đau ốm, tặng học bổng học sinh nghèo hiếu học.

“Hiện nay, bãi rác Khánh Sơn đã đầy rồi, không còn chỗ chôn lấp nữa. Nếu cứ dồn ứ vào đó thì thì hàng nghìn tấn rác thải sẽ đưa đi đâu cho hết. Nếu biết phân loại thì giảm bớt gánh nặng cho thành phố. Ngoài giữ gìn sạch sẽ rồi thì phân loại thu gom rác thải để bán lấy tiền hỗ trợ gia đình khó khăn, thăm ốm đau. Đây là hiệu quả rất lớn từ việc nhỏ mà không nhỏ” - ông Thông nói.

vov_rac_1_dtpy.jpg
Nhiều gia đình ở phường Thuận Phước, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng sử dụng túi ni lông sinh học tự phân hủy thay thế túi ni nông thông thường.

Phong trào phân loại rác tại nguồn, gây quỹ an sinh xã hội được triển khai tại nhiều khu dân ở phường Thuận Phước, quận Hải Châu từ hơn 10 năm nay. Bà Lê Thị Hà, Phó Chủ tịch UBND phường Thuận Phước, quận Hải Châu cho biết, trước đây địa bàn phường là “điểm nóng” ô nhiễm môi trường. Hầu hết rác thải từ chai nhựa, vỏ lon bia, kể cả xác chết súc vật, bà con đều vứt bừa xuống kênh, lâu ngày dồn ứ gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Năm 2008, Trường Đại học Kyoto của Nhật Bản triển khai "Dự án nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cộng đồng” tại địa phương. Dự án hướng dẫn bà con cách thu gom, phân loại rác thải tại nhà. Thấy có hữu ích, bà con tích cực hưởng ứng. Từ đó, UBND phường phát động các đoàn thể mặt trận, phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên các khu dân cư toàn phường nhân rộng mô hình.

Hiện, hơn 80% hộ gia đình ở phường Thuận Phước tham gia tích cức, phân loại rác tại nhà. Riêng năm 2018, tổng số tiền thu được từ thu gom, bán rác ở các khu dân cư trong phường Thuận Phước hơn 200 triệu đồng. Bà Lê Thị Hà, Phó Chủ tịch UBND phường Thuận Phước cho biết, không chỉ phân loại trong nhà, nhiều người dân buổi sáng đi tập thể dục, tắm biển, thấy lon bia, chai nhựa cũng gom mang về, có người đến cơ quan làm việc cũng mang cả vỏ bia, giấy loại góp cho tổ dân phố bán gây quỹ.

Xe thu gom rác tài nguyên của một khu dân cư trên điạ bàn phường Thuận Phước, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.

“Hàng tuần, vào thứ Bảy, Chủ nhật là đại diện các khu dân cư đến từng nhà thu gom rác đã được phân loại sẵn mang về bán. Có quỹ đó, hàng năm tổ chức Tết Trung thu, mồng 1/6 cho các cháu, hỗ trợ học bổng cho học sinh nghèo vượt khó hoặc tặng quá gia đình chính sách, gia đình nghèo... Có nhiều khu dân cư có Quỹ nhiều, dịp tổng kết cuối năm là có quà lại cho từng hộ dân” - bà Hà cho biết.

Mô hình thu gom phân loại rác tại nguồn ở phường Thuận Phước đã nhanh chóng lan tỏa ra nhiều khu dân cư ở quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Ông Trần Văn Tiên, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Môi trường Đô thị Đà Nẵng cho biết, hiện nay, mỗi ngày thành phố Đà Nẵng có khoảng 1.000 tấn rác thải ra môi trường cần thu gom, trong khi đó năng lực thu gom rác không đáp ứng.

Hầu hết rác thải ở thành phố Đà Nẵng đều chôn lấp tại bãi rác Khánh Sơn. Hiện bãi rác này đã quá tải, trở thành điểm nóng về ô nhiễm môi trường kéo dài nhiều năm qua, gây bức xúc trong nhân dân. Ông Trần Văn Tiên, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Môi trường Đô thị Đà Nẵng đề nghị thành phố sớm triển khai “Đề án phân loại rác toàn nguồn” trên toàn phạm vi thành phố.

“Hiện nay, Đà Nẵng đang có chính sách phân loại rác tại nguồn và đang làm thí điểm tại 2 phường Thạch Thang và Thuận Phước, quận Hải Châu. Nhưng mà chỉ lựa được loại rác để tái sử dụng, còn ni lông vẫn chưa giải quyết căn cơ. Tôi nghĩ, nên khuyến khích người dân sử dụng vật liệu thay thế bao ni lông, sử dụng loại bao nhanh phân hủy. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cho người dân nhận thức được thảm họa túi ni lông gây hậu quả nghiêm trọng về môi trường” - ông Tiên nói./.