Nhà tù Phú Quốc từng được ví như “địa ngục trần gian”- nơi giam cầm và tra tấn những người cộng sản trong hai cuộc kháng chiến. Trong lao tù, đối mặt với cực hình và chết chóc, những người chiến sĩ cách mạng luôn giữ vững tinh thần dũng cảm, không khuất phục trước quân thù, đấu tranh cho đến ngày toàn thắng.

Hòa bình về, bằng tinh thần cộng sản, họ tiếp tục là những hạt nhân trong công cuộc xây dựng Phú Quốc từ một mảnh đất của chết chóc trở thành một hòn đảo ngọc xinh tươi của Tổ quốc.

Dù đã hơn 80 tuổi nhưng ông Ba Toản (tên thật là Nguyễn Ngọc Toản) ở xã Cửa Dương, huyện đảo Phú Quốc vẫn còn rất tinh anh, vẫn chạy xe máy đi hết ấp này đến ấp khác thăm anh em đồng đội.

Ông là một trong những cựu tù Phú Quốc sau ngày đất nước giải phóng ở lại sinh cơ lập nghiệp trên đảo. Những ngày tháng 4 lịch sử này, ông lại bồi hồi nhớ về một thời sống trong địa ngục trần gian.

Nhà tù Phú Quốc là nơi thí điểm giam tù binh của Mỹ, với lớp lớp hàng rào kẽm gai, chuồng cọp. Nơi đây đã chứng kiến những tội ác tày trời của giặc Mỹ đối với các chiến sĩ cách mạng bị tù đày.

Gần 6 năm, từ cuối năm 1967 đến tháng 3/1973, chúng đã giết trên 4.000 chiến sĩ, hàng chục ngàn người bị thương tật, tàn phế. Vốn là một đặc công của khu vực Sài Gòn - Gia Định, bị địch bắt đưa ra giam ở nhà tù Phú Quốc cuối tháng 4/1968, nhưng chỉ gần 2 tháng sau, ông Toản đã tổ chức vượt ngục. Bằng cách ngụy trang với sình bẩn, để khô giống màu đất, ông và 5 người trong nhóm đã qua mắt được lính tuần và 8 lớp hàng rào kẽm gai đẻ trở về.

Ông Ba Toản kể: “Trong tiêu lệnh quy định của nhà tù, nếu tù nhân đào thoát (hay còn gọi là vượt ngục) phải bắn bỏ. 200/400 tù nhân vượt ngục bị bắn. Có những đoàn ra 9 người, chỉ còn sống 1 người. Người đó tiếp tục chiến đấu đã bị hi sinh. Trong số 28 người vượt ngục có 3 người còn sống”.

Năm 1955, qua đấu tranh đòi hiệp thương tổng tuyển cử, ông Bảy Gáo (tên thật là Mạc Văn Nghiêm) đã bị bắt vào nhà lao Cây Dừa (trước kia là nhà tù Phú Quốc), bị đánh đập, tra tấn dã man. Mặc dù vậy ông và các đồng chí của mình vẫn không khai báo làm lộ bí mật của tổ chức.

img_90851_rtsd.jpgÔng Ba Toản là một trong những cựu tù Phú Quốc sau ngày đất nước giải phóng ở lại sinh cơ lập nghiệp trên đảo.
Nhận được chủ trương của cấp trên, ông Bảy Gáo và đồng đội tổ chức vượt ngục. Sau khi phá rào, các ông bơi qua sông Dương Đông, về Ghềnh Gió, tìm đến các cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng, bắt liên lạc và tiếp tục hoạt động cách mạng. Ông và đồng đội phải sống trong rừng, nhờ người dân địa phương như má Ba, má Năm ở ấp Dương Tơ che chở mới có thể thoát khỏi sự truy lung của địch. Trong quá trình làm công tác binh vận, ông mới hiểu thêm những thủ đoạn nham hiểm của địch khi cho người trà trộn vào lực lượng của ta để phá hoại, nhờ đó mà có cách bảo vệ mình và cơ sở cách mạng.

Ông Bảy Gáo nói: “Tôi vận động địch nên làm người lương thiện, thực hiện tinh thần hiệp định Geneve. Vận động địch ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân, khẩu hiệu lúc đó là “Súng Mỹ lòng ta”. Nó phản pháo và quay lại bắt mình”.

Sau khi vượt ngục, ông Ba Toản xin huyện ủy Phú Quốc thành lập đơn vị đặc công và phát triển lên hơn 30 đội viên. Đơn vị đặc công của ông đã góp phần cùng với bộ đội  đánh chiếm các căn cứ quan trọng của địch sau này. 

Ông Bảy Gáo, sau khi giải phóng nhà lao Cây Dừa đã cùng anh em chiến sĩ tổ chức tiếp quản thị trấn, làm công tác binh vận, bắt tay xây dựng chính quyền cách mạng. Về sau, ông làm Bí thư Đảng ủy xã Dương Tơ anh hùng và Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện đảo Phú Quốc.

Cùng với thời gian, những cựu tù Phú Quốc năm xưa như ông Ba Toản, ông Bảy Gáo nay đã lui về vui vầy cùng con cháu. Ông Ba Toản giờ là chủ của hơn 10 ha rừng trầm hương ở phía bắc đảo, còn ông Bảy Gáo sau khi nghỉ hưu, mở xưởng sản xuất rượu sim, xây dựng thương hiệu rượu sim Phú Quốc nổi tiếng.

Những cựu tù Phú Quốc một thời giữ vững khí tiết người cộng sản, đấu tranh đến cùng cho hòa bình, thống nhất đất nước, giờ đây là những con người tiên phong, đem hết nhiệt tình, công sức của mình, cùng với lớp cháu con chung tay xây dựng Phú Quốc thành một trong những điểm du lịch biển nổi tiếng, để nơi đây không hổ danh là đảo ngọc của Tổ quốc./.