Ngôi nhà đơn sơ của ông Nguyễn Mạnh Tường ở tổ 5, khu Hai giếng 2, phường Cẩm Thủy, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh hôm ấy tràn ngập không khí mùa xuân với tiếng cười nói râm ran của con cháu, bạn bè đến với gia đình trong dịp đầu năm mới 2015. Ông Tường luôn miệng nói với mọi người, nếu không cố gắng vượt qua những lần bị tử thần đe dọa cướp mạng sống, làm sao thấy được mùa xuân ấm áp đến với gia đình, với mọi nhà, với đất nước- một mùa xuân tươi mới và đậm đà tình đồng chí, đồng bào trong lòng người cựu tù Phú Quốc như ông.

 ngo_thuy_1_jzzh.jpg
Trải qua biết bao thăng trầm trong quãng đời hoạt động cách mạng và trong cuộc sống, ông Tường vui sướng đã đẩy lùi được mọi khó khăn, kể cả những hiểm nguy để bây giờ sắp tròn 65 năm tuổi Đảng vẫn cảm nhận rõ sức xuân của bản thân cũng như sức xuân của Đảng ở tuổi 85…

Người thanh niên giàu chí khí, nhiệt huyếtSinh năm 1930, đúng năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, cha ông- một thầy giáo làng đã cho các con di sản quý giá nhất là chữ trung, chữ nghĩa và chữ nhân. Được giác ngộ và hoạt động cách mạng từ lúc trẻ tuổi ngay trên quê hương mình (thôn Thanh Liên, xã Cộng Hòa, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương), tới ngày lập chính quyền cách mạng năm 1945, cha ông – thầy giáo Nguyễn Mạnh Vinh được nhân dân bỏ phiếu làm chủ tịch xã đầu tiên của xã Cộng Hòa, còn ông vào Đoàn thanh niên cứu quốc xã (lúc đầu gọi là Đoàn thanh niên Nguyễn Thái Học).

Những năm toàn quốc kháng chiến, chàng thanh niên Nguyễn Mạnh Tường được giao phụ trách đoàn thanh niên cứu quốc huyện, xây dựng phong trào Đảng, đoàn thể, lực lượng vũ trang, chỉ đạo phong trào du kích ở quê hương.

Một hôm cơ sở ở xã Tuấn Hưng bị chỉ điểm, ông bị giặc truy đuổi bèn hủy tài liệu trước khi bị bắt. Giặc đưa ông về quận Dũng tra tấn rồi chuyển tiếp về đồn binh, chuyển lên nhà lao Hải Dương, vào phòng giam BBC chuyên nhốt những tù binh chưa thành án. Ông kiên quyết không khai để bảo vệ cơ sở cách mạng.

Trước những đòn roi và dụ dỗ, ông một mực bảo vệ lý lẽ của mình: “Tôi là người dân Việt Nam, tôi chỉ biết trước cảnh nước loạn, dân tan, nhà thiêu cửa đốt, chết chóc hàng ngày tôi không chịu được, tham gia kháng chiến là quyền lợi của chúng tôi. Tôi có quyền tham gia kháng chiến chống lại ngoại xâm nên không là người có tội”.

Trong trại giam, ông cùng anh em hoạt động, tham gia cấp ủy nhà tù, phụ trách phòng giam, tổ chức phá trại vượt ngục. Ông kể: “Trong cuộc đấu tranh ấy thì chúng tôi binh vận tốt, thậm chí lính của các nước thuộc địa của Pháp còn đem ủng hộ cho bọn tôi vũ khí, đạn dược, lựu đạn để phá rào, phá nhà tù và một số đã thoát khỏi nhà tù. Chính những năm tháng ác liệt ấy là mốc son khiến anh em những người kháng chiến gần gũi nhau và hiểu biết nhau hơn”.

Sau 2 năm ở nhà lao Hải Dương, năm 1951, Nguyễn Mạnh Tường cùng một số đồng chí anh em bị chuyển ra nhà lao Phú Quốc. Ông là tù nhân không án diện nguy hiểm, luôn phải đề phòng, bởi có lúc địch cài “bạn tù” vào để khai thác, nhưng biết âm mưu ấy ông không hé nửa lời. Tới bây giờ, ông vẫn thấm thía về bài học giữ gìn khí tiết và nhân cách của người cộng sản. Bởi lẽ, ở trong tù “có ai nắm được hồ sơ của ai đâu, thế nhưng các hành vi thể hiện hàng ngày giữa tù nhân với cai ngục sẽ thấy được rõ ràng người Cộng sản bao giờ cũng thể hiện được nhân cách trong sáng, bất khuất . Tình đồng chí, tình anh em nhường cơm sẻ áo cho nhau luôn là những bài học sâu sắc”.

Cuộc đấu tranh trong nhà tù Phú Quốc đã thành công ở chỗ các đồng chí vừa giữ vững khí tiết, vừa tự bảo vệ sức khỏe và giữ vững tinh thần cho nhau, luôn trọn một niềm tin tới ngày thắng lợi.

Luôn lạc quan yêu đời, yêu nướcTới năm 1954 ông và các bạn tù Phú Quốc được trở về miền Bắc trong cuộc trao đổi tù binh. Ông Nguyễn Mạnh Tường kinh qua nhiều nhiệm vụ khác nhau như cán bộ giáo dục huyện Kim Thành, cán bộ Ty giáo dục Hải Dương, cán bộ Tỉnh ủy Hải Dương. Ông có nhiều thời gian vất vả, lao đao như khi được tăng cường sang cường Ban nông nghiệp tỉnh để cải tiến làm cho mô hình hợp tác xã đi lên, gặp phải bài toán hóc búa giữa mô hình cá thể và tập thể…Song mọi khó khăn với người cựu tù đều dần được hóa giải, để bây giờ ông tạm hài lòng với chặng đường đã đi qua.

Năm 2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Tập thể chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đầy tại Trại giam Phú Quốc. Niềm vui ấy ông muốn san sẻ tới nhiều người, đặc biệt người bạn đời từng kề vai sát cánh với ông trong những lúc yếu đau, bệnh tật và trên mọi bước đường gian nan nhất.

 Ông Tường bên người thân
Bà Nguyễn Thị Hùy, vợ ông chia sẻ: “Tập thể cựu tù Phú Quốc được nhà nước phong tặng anh hiệu anh hùng thì ông ấy và tôi đều rất phấn khởi, các con các cháu cũng phấn khởi, cảm thấy gia đình vui vẻ và hạnh phúc. Nói thực ông từ khi lấy tôi hoàn cảnh cũng rất khó khăn, nhưng mà tôi cứ luôn cố gắng động viên ông ấy”.Và ngọn lửa tình yêu cuộc sống của người cựu tù Phú Quốc được truyền tiếp sang các con cháu, bạn hữu, càng vẹn tròn hơn trong mùa xuân ấp áp này. Thế hệ thứ ba dần trưởng thành, hiểu được giá trị mà thế hệ trước dày công hun đúc. Anh Nguyễn Duy Tân, cháu nội của ông Nguyễn Mạnh Tường giờ là cán bộ UBDN Thành phố Cẩm Phả nói về ông của mình: “Những cống hiến của ông cho Đảng, nhà nước là một truyền thống rất là quí báu, là một tấm gương sáng để con cháu noi theo, phát huy rạng rỡ hơn những cái cha ông đã làm. Cháu mong muốn thế hệ đi trước sẽ giúp đỡ để bọn cháu có nhiều phấn đấu hơn để sẽ là tương lai của đất nước ”

Vẫn là chỗ dựa vững chắc của thế hệ trẻ, mùa xuân theo quan niệm của những người chiến sĩ Cách mạng với ông Tường, dường như đường đời càng dài, sức xuân càng mạnh mẽ. Cho dù từng trải qua đòn roi, tù đầy, bệnh tật, cam go, tới giờ ông Nguyễn Mạnh Tường vẫn cảm thấy tràn đầy nhựa sống, vẫn liên tục xuất bản những thi tập với những vần thơ yêu đời, yêu Đảng, yêu người:

Trời trong xanh nước cũng trong xanhMột cõi thênh thang một cõi lànhCẩm Phả hôm nay trời nắng tỏaGiêng hai năm tháng đẹp như tranhXuân về phơi phới duyên nồng thắmTết đến hân hoan mộng tốt lànhÉn lượn mây hồng cờ rực đỏSắc mầu tim tím tóc em xanh ./.